TP Hồ Chí Minh: Người dân đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch

THIỆN AN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định, hiện TP có tốc độ đô thị hóa cao, trung bình 5 năm TP tăng 1 triệu dân. Do đó, việc có đủ nước sạch để người dân sử dụng trong tương lai là một thách thức lớn đối với TP.

Tại Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân – Khuyến nghị cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2035” do UBND TP tổ chức, lãnh đạo thành phố cho biết tổng công suất cấp nước của TP đến năm 2025 là 3,7 triệu m3/ngày.
Tham dự hội thảo có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Trần Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cùng các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực cấp nước và đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn.
Nguồn nước thô đang ô nhiễm nặng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, mức độ tăng dân số hiện nay của thành phố rất cao, trong 10 năm trở lại đây, cứ 5 năm thì tăng khoảng 1 triệu dân. Việc này gây áp lực lên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dân sinh, trong đó có cung cấp nước sạch. Trong thời gian qua, về cơ bản TP đã hoàn thành mục tiêu 100% người dân có thể tiếp cận và dùng được nước sạch.
Theo ông Hoan, những năm qua TP có nhiều nỗ lực, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 100% người dân tiếp cận và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển. Nguồn nước thô đầu vào từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Do nằm ở hạ lưu nên TP không thể kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thô đầu nguồn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm nguồn nước sông bị xâm nhập mặn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn nguồn nước là rất cao.
Chia sẻ thêm về những bất cập, tồn tại trong công tác cung cấp nước sạch ở TP, ông Hoan cho biết hiện hệ thống hạ tầng chuyển nước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều đường ống xây dựng đã lâu chưa được cải tạo.
Cũng theo ông Hoan, chính hệ thống đường ống quá cũ, có ống hơn 50 năm dẫn đến tỉ lệ thất thoát nước cao, chất lượng nước sạch giảm.
"TP vẫn không có bể trữ nước để phân phối, chủ yếu dẫn nước trực tiếp từ nhà máy đến các hộ dân. Vì vậy, có thực trạng chất lượng nước ở nhà máy có thể dùng ăn uống trực tiếp, nhưng khi qua ống dẫn đến với các hộ dân thì không đạt chỉ tiêu, chất lượng. Thời gian lưu nước trên hệ thống dài gây lắng cặn trong ống dẫn", ông Hoan dẫn chứng thêm.
Nhằm giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cho biết TP đang quyết tâm kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống thấp hơn nữa (hiện tỉ lệ thất thoát là 23,31%).
Nhanh chóng quy hoạch nghành nước
Đến năm 2025, 100% hộ dân TP Hồ Chí Minh sẽ được cấp nước sạch.
Hội thảo đã tiếp nhận hơn 20 bài tham luận với nội dung liên quan đến các bài học kinh nghiệm về mô hình quản lý ngành nước, công tác quản lý và vận hành hệ thống cấp nước, công tác quản lý và giám sát chất lượng nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nước của các chuyên gia đến từ các quốc gia trên thế giới (Australia, Philippines, Italia, Hungary, Hà Lan, Malaysia, Singapore...) và các chuyên gia trong nước đến từ các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, hội thảo đã chia sẻ 5 lĩnh vực khác nhau liên quan đến lĩnh vực ngành nước, được các chuyên gia nước ngoài thảo luận làm rõ được các vấn đề về thực trạng việc quản lý, đầu tư xây dựng, chất lượng nước và vận hành hệ thống cấp nước hiện nay trên địa bàn TP; các bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống cấp nước, định hướng phát triển và các giải pháp thực hiện nhằm phát triển, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống cấp nước.
Trưởng ban hợp tác quốc tế Hội nước Úc Paul Smith cho biết: "Muốn đảm bảo an ninh nguồn nước thì TP cần phải xây dựng nhiều đập chứa nước thô lớn. Đồng thời cần khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư cung ứng nước, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng".
Theo ông Paul Smith, những giải pháp trên được xem là sự chủ động cho an toàn nguồn nước được quốc tế học tập và áp dụng hiện nay. Ngoài ra, ông Paul Smith cũng cho rằng cần thay đổi và cải tiến ngành nước liên tục thông qua cơ chế cạnh tranh. Bởi trong bất cứ ngành nào cũng cần có sự minh bạch để cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp.
"Các TP cần suy nghĩ quy trình tuần hoàn nước để tái sử dụng nước, và cần phác thảo khung quản lý rủi ro để quản lý tốt hơn chất lượng nước" - ông Paul Smith nói.
Còn ông Arnold Jether - Công ty Manila Water (Philippines) - cho biết Manila cũng trải qua nhiều giai đoạn xây dựng hệ thống ống dẫn nước khác nhau. Thủ đô Manila cũng thực hiện hợp tác công tư để phát triển cung cấp nguồn nước cho người dân. Hiện nay, tỉ lệ thất thoát nước của Manila chỉ còn 10%.
Về giá nước, dựa trên nhu cầu khách hàng, công ty đưa ra chi phí cần thiết cung cấp các dịch vụ. Từ đó xây dựng kế hoạch tài chính để đầu tư hạ tầng nhằm đưa ra giá bán nước. Cứ 5 năm, giá nước lại được điều chỉnh một lần.
Tính đến tháng 9/2019, tổng công suất cấp nước tại TP đạt 2,4 triệu m3/ngày với tỷ lệ hộ dân TP được cấp nước sạch là 100%, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nước cho người dân TP trong sản xuất và sinh hoạt. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 tổng công suất cấp nước của TP là 3,7 triệu m3/ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần