TP Hồ Chí Minh: Sẽ chống ùn tắc giao thông bằng hệ thống giao thông thông minh

Văn Thân – Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- TP Hồ Chí Minh đứng trước áp lực cải thiện hạ tầng giao thông, chống ùn tắc bằng việc nghiên cứu, đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS - intelligent transport system).

Đây là hệ thống giao thông được kỳ vọng sẽ mang lại chất lượng, chống lãng phí giao thông lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm…
Ùn tắc giao thông gây thiệt hại trên 8.000 tỷ đồng/năm
Theo ghi nhận, vào giờ cao điểm, ùn tắc giao thông thường xảy ra cho nhiều tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố như: Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13 và các tuyến đường xuyên tâm như: Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Nguyễn Tất Thành (Quận 4), Cộng Hòa, Trường Chinh (Quận Tân Bình), Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn (Quận Gò Vấp), Bạch Đằng, Xô Viết nghệ Tĩnh, ngã tư Hàng Xanh (Quận Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng…
 
TP Hồ Chí Minh hiện có trên 10 triệu người sinh sống và làm việc (trong đó 8,7 triệu người thường trú và triện 2 triệu người tạm trú), nhưng có quá nhiều phương tiện giao thông, với 6,2 triệu xe máy và hơn 600.000 ôtô, xe buýt, vận tải và khoảng 1 triệu xe mang biển kiểm soát ngoại tỉnh đổ về. Và mỗi ngày, thành phố này cũng tăng thêm khoảng 100 ô tô, 1 nghìn mô tô, xe gắn máy và đăng ký mới xe tải trên 10 tấn tăng 900 xe (tương đương 83%) so với cùng kỳ. các tuyến đường luôn bị đặt trong tình trạng quá tải. số trường hợp vi phạm luật và tai nạn giao thông tăng hơn so với trước.
“Hiện nay, ùn tắc giao thông đã gây cản trở lớn đến sự phát triển của thành phố. Tình trạng ùn tắc đang diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng. Nguyên nhân của vấn nạn này là do chưa kiểm soát được quá trình tăng dân số cơ học (người nhập cư, khách du lịch, chuyên gia nước ngoài…) và các loại phương tiện giao thông được đăng ký mới trên địa bàn”, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tại Hội thảo “Nâng cao cơ hội sở hữu và sử dụng xe ô tô cho người tiêu dùng Việt” diễn ra vào tháng 0/2015, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, đánh giá: Thiệt hại do tắc nghẽn giao thông ở TP Hồ Chí Minh vào khoảng 8.450 tỷ đồng/năm, trong đó riêng thiệt hại về tai nạn giao thông ước tính khoảng 2.184 tỷ đồng/năm.
 
Xe gắn máy từng được nhiều người xem như phương tiện giao thông thuận tiện và tiết kiệm, nhưng trên thực tế, lượng tiêu hao nhiên liệu tính theo đầu người/km trong một ngày của xe gắn máy cao gấp 92 lần so với xe buýt. Thiệt hại do lãng phí tiêu hao nhiên liệu từ kẹt xe ước tính lên tới 5.472 tỷ đồng/năm.
Như vậy, nếu tính tổng thiệt hại về kinh tế toàn TP, trong đó có lãng phí do đầu tư bất hợp lý (xe gắn máy), do ùn tắc giao thông, do tiêu phí nhiên liệu, do tai nạn giao thông và lãng phí sử dụng đất lên tới 19.506 tỷ đồng/năm (tương đương 0.86 tỷ USD).
“Thuốc” trị ùn tắc giao thông
Theo Sở Giao thông – Vận tải TP Hồ Chí Minh, để chống ùn tắc giao thông, việc phát triển trung tâm điều hành giao thông thông minh quy mô hoàn chỉnh vào năm 2020 là cấp thiết, thông qua việc kêu gọi các nguồn vốn tài trợ ODA, hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP).
PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chính sách phát triển vận tải trung và dài hạn của TP Hồ Chí Minh thì cần quy hoạch hệ thống ITS với các hệ thống như: Dẫn đường, thu phí điện tử, trợ giúp lái xe an toàn, tối ưu hoá quản lý giao thông, tăng cường hiệu quả quản lý đường, trợ giúp cho những trường hợp khẩn cấp.
 
Còn nhóm nghiên cứu của GS.TS Manfred Boltze (Đại học Công nghệ Damrstadt - CHLB Đức) và TS Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt - Đức) khẳng định, khi có hệ thống giao thông công cộng linh hoạt với chất lượng cao thì phải áp dụng ITS. Bởi, nó sẽ giúp cải thiện dòng giao thông, nâng cao an toàn giao thông (bằng hệ thống máy quay ngăn chặn chạy quá tốc độ, tắc nghẽn tại các nút giao, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh), nâng cao sự an ninh và giảm vi phạm (hệ thống camera an ninh), cải thiện giao thông công cộng, nâng hiệu quả vận tải hàng hoá…
Việc đầu tư, ứng dụng hệ thống ITS có tín hiệu lạc quan khi mới đây, ông Shawn Smith, Tổng giám đốc Công ty Vigilant Solutions (Mỹ) cho biết doanh nghiệp này muốn triển khai dự án hệ thống ITS cho TP Hồ Chí Minh với nguồn vốn tài trợ khoảng 300 triệu USD. Số tiền này sẽ bao gồm đầu tư nhân sự, công nghệ và xây dựng cơ sở điều hành, hệ thống camera giám sát di động và cố định nhằm giảm tắc nghẽn giao thông, cải thiện an toàn công cộng và giảm phát thải ra môi trường.
Theo chủ trương, việc phát triển hệ thống ITS sẽ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến năm 2017) sẽ kết nối 250 chốt tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính về trung tâm, phục vụ điều khiển giao thông trên những trục đường chính nhằm giảm bớt ùn tắc, xử lý hành vi vi phạm giao thông.
Giai đoạn 2 (đến năm 2020) sẽ xây dựng hoàn chỉnh trung tâm ITS để quản lý chung trên toàn địa bàn, đạt các chức năng chính phổ biến trên thế giới như: Giám sát, điều khiển giao thông; cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và người dân; tích hợp các hệ thống liên quan đến giao thông công cộng; điều tiết chung…
Trong khi chờ xây dựng đề án giao thông thông minh chi tiết và được triển khai thực hiện, để chống ùn tắc giao thông, thành phố cần điều chỉnh phân luồng, lắp đặt thêm các đèn tín hiệu, làm nhiều dải phân cách trên một số tuyến đường, cải tạo một số nút giao.
Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh phải đưa thêm các nhóm giải pháp: đầu tư, phát triển kinh tế vùng ven, giảm áp lực cho khu trung tâm, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, xây dựng hầm chui, cầu vượt, lắp đặt các camera quan sát tại các vị trí giao lộ trọng điểm, xây dựng Trung tâm điều hành giao thông đô thị, di dời cảng biển, bến xe, trường học ra ngoài khu vực trung tâm…