Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 6,2km, nối kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Rạch Xuyên Tâm còn có 3 nhánh gồm rạch Cầu Sơn, rạch Bình Triệu và rạch Bình Lợi.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư là 9.325 tỷ đồng. Trong đó, tiền đền bù là 4.859 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 3.866, còn lại và chi phí dự phòng...
Quy mô dự án bao gồm xây dựng gồm cải tạo, kè bảo vệ bờ; xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 đến 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bêtông; xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TP và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703ha.
Theo số liệu của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, khi triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến 2.196 hộ dân, quận Bình Thạnh có 2.135 hộ, trong đó 915 hộ phải di dời toàn phần. Quận Gò Vấp có 62 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 27 hộ phải di dời toàn phần.
Cũng theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, đến nay tất cả các sở, ngành liên quan đã có văn bản đồng thuận. Đây là cơ sở để UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ truơng đầu tư.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần sớm triển khai dự án bởi nếu chậm trễ sẽ khiến dự án tăng vốn. Chi phí đền bù giải tỏa của dự án rất lớn nên càng để lâu sẽ càng tăng thêm. Nếu mức đầu tư dự án trên 10.000 tỷ đồng sẽ vượt thẩm quyền của TP, lúc đó phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội. Để đẩy nhanh tiến độ, TP có thể xin Trung ương hỗ trợ chi phí đền bù, giải tỏa, phần chi phí xây dựng có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức BT.
Kết thúc buổi khảo sát, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, việc cải tạo rạch Xuyên Tâm là nhu cầu rất bức thiết để nâng cáo chất lượng người dân nơi đây và chỉnh trang đô thị. Chi phí đền bù giải tỏa của dự án sẽ thực hiện bằng vốn ngân sách, phần xây dựng kêu gọi xã hội hóa. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm phải đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông, du lịch đường sông.
Dự án cải tạo rạch Xuyên tâm đã có cách đây gần 20 năm, sau nhiều lần thay đổi vẫn không thể nào triển khai. Đã có nhà đầu tư muốn đầu tư dự án bằng hình thức BT nhưng không hiểu lý do gì dự án đã không thể triển khai. Được biết, đã từng có phương án đề xuất, giải tỏa rộng ra 2 bên rạch xuyên tâm, sử dụng một phần quỹ đất để tái đầu tư cho dự án nhưng đề xuất này không thể khả thi do nhiều lý do.