Trái cây giàu vitamin C hút khách

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài các loại khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn sốt hàng, tăng giá vì dịch viêm phổi cấp nCoV, mấy ngày qua, các loại trái cây giàu vitamin C cũng được người tiêu dùng mua nhiều nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nhu cầu tăng đột biến khiến những loại trái cây này cũng trở nên cao giá hơn trước Tết.

Hiện dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV chưa có thuốc đặc trị. Cách phòng chống tốt nhất được các chuyên gia khuyến cáo là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Theo đó, các loại thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao như cam, quýt, bưởi… là lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ.
Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Thành Công, chợ Triều Khúc, chợ La Cả (Hà Đông)… cho thấy, các gian hàng bán hoa quả khá đông người mua. Chị Thái Thu Huyền (phường La Khê, quận Hà Đông) tranh thủ trên đường đi làm về rẽ vào chợ tìm mua cam về dự trữ vắt nước uống dần. “Cam dịp này tăng giá từng ngày, trước khi có dịch tôi mua cam sành Tuyên Quang chỉ có 25.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 30.000 đồng/kg” – chị Huyền cho hay.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lợi, tiểu thương chuyên bán hoa quả tại chợ La Cả, phường Dương Nội, quận Hà Đông, từ khi xuất hiện dịch nCoV, các loại cam vắt nước bán chạy nhất. Trung bình mỗi ngày tôi bán ra trên dưới 1 tạ cam, tăng gấp 3 lần so với trước khi có dịch. Nhu cầu mua hàng tăng cao nên lượng hàng ở chợ đầu mối không dồi dào như trước và giá tăng cao hơn. Hiện, cam sành Hà Giang có giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, cam Tiền Giang được bán với giá từ 40.000 – 45.000 đồng/kg… Các loại chanh, quất cũng tăng giá lên 45.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị như BigC, Metro, Vinmart…, các gian bày bán cam, quýt, bưởi… cũng vơi đáng kể so với trước khi có dịch. Tuy nhiên, hệ thống không còn tình trạng thiếu hụt hay khan hiếm rau củ, quả cục bộ như mới ngày đầu xuất hiện dịch nCoV. Giá cả các loại hoa quả này cũng vẫn giữ ổn định từ trước Tết.
Ngoài các loại trái cây, các loại hỗn hợp vitamin C dạng viên nén, nước cũng được khách hàng đặt mua nhiều. Các sản phẩm này không chỉ được bán ở các quầy thuốc còn được rao bán khá rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Nguồn gốc xuất xứ cũng khá đa dạng như Nhật, Hàn, Nga… Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ các loại vitamin này, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.