Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trái tim công nghiệp” của Đức "thấm" khủng hoảng năng lượng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được coi là “xương sống” của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức (Mittelstand) vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong một thập kỷ qua.

Các đường ống dẫn khí Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters
Các đường ống dẫn khí Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Hôm 30/3, Berlin đã ra cảnh báo về tình trạng khẩn cấp nguồn cung cấp khí đốt do bất đồng giữa Đức và Nga khi yêu cầu được thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phân phối khí đốt của Đức nếu Nga phá vỡ hoặc gián đoạn nguồn cung cấp.

Theo đó, ngành công nghiệp nặng chiếm tới 1/4 nhu cầu sử dụng khí đốt của Đức sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, đe dọa tới việc làm và sự phục hồi kinh tế của nước này sau hai năm đại dịch.

Ông Craig Barker, giám đốc điều hành Kelheim Fibers, chuyên gia trong sản xuất xơ viscose chuyên biệt, trao đổi với Reuters: “Nếu không có khí đốt, chúng tôi sẽ phải ngừng hoạt động”. Kelheim là một ví dụ điển hình cho Mittelstand - các doanh nghiệp tư nhân gia đình với hoạt động sản xuất trải dài trong các lĩnh vực công nghiệp.

Trong năm nay, hóa đơn khí đốt của Kelheim Fibers dự kiến tăng gấp 5 lần, lên tới 100 triệu euro (110 triệu USD) - tương đương hơn một nửa doanh thu hàng năm của công ty. Nguyên nhân là do xung đột ở Ukraine khiến thị trường năng lượng vốn đã quy mô nhỏ này trở nên trầm trọng hơn.

Ông Wolfgang Ott, một giám đốc điều hành khác của Kelheim Fibers - công ty 86 năm tuổi với 600 nhân viên tại nhà máy ở thị trấn Kelheim, Bavaria, cho biết: “Tình hình hiện tại đang đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn tại của chúng tôi.”

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã càng khiến sự phụ thuộc khí đốt của Berlin vào Moscow trở nên rõ ràng. Năm 2021, Nga cung cấp tới 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức.

Nguồn cung thay thế sẽ không thể nhanh chóng được giải quyết và mức giá cũng không hề rẻ. Berlin cảnh báo họ có thể mất nguồn cung đến giữa năm 2024, cho đến khi Đức có thể “cai nghiện” khí đốt của Nga. Điều này đã phơi bày điểm yếu của các công ty và nền kinh tế lớn.

Ông Siegfried Russwurm, chủ tịch hiệp hội công nghiệp BDI của Đức và chủ tịch của Thyssenkrupp (TKAG.DE) cho biết: “Giá điện và khí đốt tăng là mối đe dọa lớn, thậm chí có thể phá hủy cả nền kinh tế.”

Theo ông, vấn đề này sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước cân nhắc nhiều hơn về việc di chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để tiết kiệm chi phí.

Trong năm nay, triển vọng tăng trưởng của các hiệp hội kỹ thuật và hóa chất của Đức - nhóm ngành công nghiệp lớn thứ hai và thứ ba của nước này - đã giảm đi một nửa hoặc bị loại bỏ hoàn toàn do chi phí tăng cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Trong một bức thư gần đây, Bộ trưởng Bộ Kinh tế bang Sachsen-Anhalt cảnh báo chi phí khí đốt bổ sung là 22 triệu euro mỗi tháng. Điều này có thể khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải ngừng sản xuất.