Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trạm chuyển tải Lâm Du: Giảm tải cho các điểm cẩu rác trên đường phố trung tâm

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều điểm cẩu rác tập trung vẫn buộc phải bố trí trên đường phố trung tâm Hà Nội và thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

Muốn rút ngắn thời gian hoạt động, giảm tải cho điểm cẩu, cấp bách phải có thêm các trạm chuyển tải rác với dây chuyền hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh môi trường (VSMT).
Đảm bảo vệ sinh và mỹ quan đô thị

Phó Giám đốc Xí nghiệp Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Chiến cho biết, hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mỗi ngày phát sinh khoảng 230 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác này được các xe thu gom loại nhỏ, xe đẩy tay đưa đến 59 điểm cẩu rác tập trung, chuyển lên xe tải cỡ lớn (7,5 tấn), vận chuyển tới Khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn). Ông Chiến thông tin thêm: “Đa phần các điểm cẩu rác tập trung hiện vẫn phải bố trí trên đường phố và hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm”.
  Rác được nén, ép, đưa lên xe tải lớn vận chuyển đi ngay sau khi thu gom. Ảnh: Ngọc Hải
Dù là khâu quan trọng trong công tác giữ gìn, đảm bảo VMST nhưng những điểm cẩu rác tập trung cũng đang bộc lộ một số bất cập. Theo lý giải của lãnh đạo Xí nghiệp Urenco Hoàn Kiếm, với lượng rác thải quá lớn, điểm cẩu phải hoạt động cả ban ngày lẫn tối (trước 23 giờ). Việc cẩu, đổ rác từ xe thu gom nhỏ lên xe trung chuyển có thể gây cản trở giao thông, phát tán bụi, nước rác ra phạm vi xung quanh. “Khi cẩu, xe lớn phải chờ xe nhỏ, khiến thời gian hoạt động kéo dài, mùi rác lan tỏa, vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa bị người dân phản ứng” - ông Chiến cho hay.

Trạm Lâm Du vẫn đang vận hành thử nghiệm, công suất ở mức 30 - 50% thiết kế nhưng đã đáp ứng chuyển tải khoảng 80 - 120 tấn rác/ngày đêm. Với dây chuyền cơ giới tại Trạm, trung bình một ca làm việc của xe thu gom 2,5 tấn có thể cẩu được 5 - 6 lượt rác, tăng gấp 2 - 3 lần trước kia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cẩu rác trên đường phố chỉ nên tiến hành từ 23 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Khoảng thời gian còn lại, rác thải cần được đưa đến các điểm chuyển tải, xử lý bằng cơ giới hóa. Chính vì vậy, vừa qua, Urenco đã xây dựng và đưa vào thử nghiệm Trạm chuyển tải rác Lâm Du tại phường Bồ Đề (Long Biên). Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ: “Trạm chuyển tải không phải trạm tập kết hay xử lý rác. Nó chỉ đóng vai trò bước đệm, tập trung, thu gom rác, đưa lên xe tải, chuyển về Khu xử lý Nam Sơn. Nói cách khác, Trạm chuyển tải là một điểm cẩu rác tập trung quy mô lớn, có vai trò thay thế các điểm cẩu rác trên đường phố trước 23 giờ đêm”.

Cơ giới hóa thay thế sức người

Trạm chuyển tải rác Lâm Du, khi đạt công suất tối đa 300 tấn/ngày đêm, có thể thay thế cho toàn bộ các điểm cẩu rác trước 23 giờ, trên địa bàn 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa. Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, Trạm Lâm Du được bố trí một dây chuyền nén ép rác, xử lý nước thải và mùi hôi khép kín. Các xe thu gom nhỏ sẽ đưa rác thẳng từ khu dân cư đến trạm, đổ vào 2 máy ép. Rác được nén chặt thành các khối vuông, đẩy thẳng lên thùng nâng cỡ lớn với trọng tải 8 - 10 tấn/thùng. Xe tải chuyên dụng sẽ kéo thẳng các thùng này đến Khu xử lý Nam Sơn, rác không phải tập kết, chờ đợi như tại các điểm cẩu trên đường phố. Nước thải trong quá trình nén ép theo hệ thống cống thu chảy vào bể chứa, khử trùng rồi hút lên xe téc, đưa đến nơi xử lý. Mùi rác được hút bằng quạt công suất cao, đưa qua bể lọc than hoạt tính, đảm bảo khi thải ra môi trường không còn độc hại.

Điều quan trọng nhất là Trạm chuyển tải Lâm Du sẽ giảm tải mạnh mẽ cho các điểm cẩu rác tập trung; chấm dứt hoạt động tập kết, cẩu, đổ rác trên đường phố trung tâm Hà Nội trước 23 giờ đêm. Mặt khác, thời gian chờ đợi cũng như nhân sự phục vụ tại các điểm cẩu rác tập trung trên đường phố cũng sẽ giảm đáng kể, tiết kiệm chi phí mà vẫn nâng cao hiệu quả công tác VSMT. Vì vậy, lãnh đạo Urenco khẳng định, việc cơ giới hóa công tác thu gom, vận chuyển rác, trong đó có thử nghiệm và đưa vào sử dụng các trạm chuyển tải là vấn đề hết sức cấp thiết, hướng đến cả hai mục tiêu là kinh tế và môi trường.