Trận cũ chưa xong đã nhằm trận mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 sự kiện với thành phần tham dự khác nhau, ở 2 nơi khác nhau nhưng diễn ra vào cùng thời điểm và với chương trình nghị sự có liên quan mật thiết đến nhau.

Từ trái qua phải: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về Syria tại Sochi. Ảnh: TASS
Một cuộc là cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Sochi (Nga). Bộ ba này năm 2017 đã dựng nên khuôn khổ diễn đàn cấp cao ba bên ở Thủ đô Astana của Kazakhstan và ở Sochi vừa rồi là lần thứ 4 họ gặp nhau. Họ đề ra tôn chỉ mục đích cho khuôn khổ diễn đàn này là thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cả về chính trị lẫn quân sự ở Syria.
Còn sự kiện thứ 2 là hội nghị quốc tế tổ chức ở Thủ đô Varsaw của Ba Lan. Ba Lan chủ xướng, đúng hơn là tạo cho Mỹ và Israel diễn đàn để tập hợp lực lượng, thành lập liên quân chống Iran. Bối cảnh tình hình chung cho cả 2 sự kiện này là những chuyển biến ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh bị chi phối và tác động ở mức độ quyết định bởi tình hình chiến sự ở Syria, cuộc chiến tranh ở Yemen, việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, thù địch giữa Mỹ, Israel, Ả rập Xê út và đồng minh với Iran cũng như bởi quyết định của Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria.
Tương quan lực lượng và cục diện tình hình ở khu vực này sẽ thay đổi cơ bản khi Mỹ rút quân ra khỏi Syria và đối địch gia tăng giữa Mỹ, Israel, Ả rập Xê út và đồng minh với Iran. Ở Sochi, bộ ba kia bàn thảo đối sách ứng phó với tình thế mới. Ở Varsaw, các bên tham dự hội nghị cũng như thế. Tất cả đều nhằm tới, đều chuẩn bị và đều tính chuyện dàn binh cho trận chiến mới ngay từ khi trận chiến cũ chưa hoàn toàn đi đến hồi kết.
Một khi Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria thì Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện những lợi ích chiến lược của họ ở Iran, và trong việc gây dựng giải pháp chính trị hoà bình cho Syria. Hiện tại, họ đang đóng vai trò quyết định cho chiến tranh và hoà bình ở Syria. Mỹ và đồng minh không còn có thể xoay chuyển tình thế được nữa ở Syria nhưng lại có thể gây khó cho bộ ba kia và khiến cho bộ ba ấy còn mất thêm nhiều thời gian hơn nữa cũng như tốn phí thêm nhiều công của hơn nữa thì mới đạt được mục tiêu đề ra ở Syria. Ở Sochi, họ bàn thảo về cách thúc đẩy và cả thúc ép Mỹ thực hiện quyết định rút quân ra khỏi Syria để rồi cùng nhau đánh trận quyết định cuối cùng ở xứ ấy cũng như phân chia phần chiến lợi phẩm ở Syria.
Những bên gặp nhau ở Varsaw không bàn nhiều về vấn đề Syria, nhưng đều biết rằng mục tiêu chống Iran của họ không bị tác động gì bởi triển vọng diễn biến tình hình ở Syria sau khi Mỹ rút quân đội ra khỏi đó. Bởi thế, ở phía sau chủ ý tập hợp lực lượng chống Iran của họ có ẩn ý là sẽ không để Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria tận lợi từ bối cảnh tình hình mới ở khu vực. Họ vừa dàn trận mới nhằm vào Iran vừa tham gia vào trận chiến khác trước đối với họ ở Syria.
Khu vực này đứng trước thời kỳ mới về chính trị an ninh mà căng thẳng và đối địch sẽ gia tăng chứ không giảm đi, việc tìm kiếm giải pháp chính trị giúp cho cả khu vực lớn có hoà bình, an ninh và ổn định trở nên khó khăn và phức tạp hơn chứ không phải sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Nơi đây cả trong thời gian tới vẫn sẽ là chiến địa của cuộc giằng co giữa các nước lớn với nhau cũng như giữa các cường quốc khu vực với nhau, vẫn có đối đầu giữa các tập hợp lực lượng với nhau và sẽ vẫn còn tình trạng kẻ này tiến hành chiến tranh, xung đột hay thực hiện lợi ích qua tay người khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần