Các đối tượng dùng các pháp nhân không có chức năng XKLĐ nhưng vẫn lừa phỉnh thông qua tư vấn, thậm chí làm giả các loại giấy tờ nhằm thu tiền của người dân có nhu cầu. Chỉ sau một thời gian dài bị khất lần thì các nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa, song gần như không thể đòi lại được số tiền đã đưa.
Công an TP Hà Nội mới đây đã xác minh, làm rõ đối tượng Kim Young Hwan, gọi tắt là Kim (quốc tịch Hàn Quốc, SN 1963, ở khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai) cùng vợ Hoàng Thị Cúc (SN 1986) lừa đảo đưa người sang Hàn Quốc lao động để thu tiền nhưng không thực hiện được và không trả lại tiền… Hành vi, thủ đoạn phạm tội của Kim rất tinh vi. Đối tượng lấy danh nghĩa đại diện toàn quyền của Công ty AI-INNOTECH Hàn Quốc (Bên A) ký hợp đồng liên kết về việc đưa cán bộ, công nhân viên đi học tập và làm việc tại Hàn Quốc với (Bên B) là một số pháp nhân tại Việt Nam . Sau đó, vợ chồng Kim tiếp tục mở công ty và mở rộng việc tuyển dụng người dân đi lao động tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, các đối tượng không có thị thực nhập cảnh cho các người có nhu cầu XKLĐ. Để dụ mồi các nạn nhân, vợ chồng Kim đã tự soạn thảo chương trình đưa học viên sang Hàn Quốc học tập và làm việc theo hình thức tu nghiệp sinh. Hai đối tượng đưa ra nhiều cam kết về việc học tập và việc ký kết các hợp đồng lao động với những mức lương vô cùng hấp dẫn… Tháng 11/2016, sau quá trình điều tra mở rộng, cơ quan công an đã có căn cứ khởi tố đôi vợ chồng này và 3 đối tượng khác về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Cơ quan công an xác định, vợ chồng Kim đã thu 296 hồ sơ xin đi XKLĐ cùng hơn 278.000 USD và hơn 4 tỷ đồng. Hiện, vụ án vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra mở rộng.
Nhằm giúp người dân có nhu cầu tìm hiểu rõ việc đi XKLĐ, cơ quan chức năng đã đưa ra các khuyến cáo hữu ích. Đó là, các thông tin liên quan đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài đều có thể tham khảo tại website của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc của Trung tâm Hỗ trợ lao động ngoài nước. Tất cả thông tin liên quan đến thị trường, hợp đồng XKLĐ được thẩm định, những điều kiện cần thiết như sức khỏe, ngoại ngữ, bổ túc kỹ năng nghề, giáo dục đào tạo, chi phí, danh sách các công ty XKLĐ… đều được đăng tải tại đây. Cách tìm hiểu thông tin chính xác và hữu hiệu nhất là người dân nên đến sở LĐTB&XH tại địa phương mình để được giải đáp một cách cụ thể nhất.