Theo đó, thay vì áp dụng cách thức truyền thống để chờ những tình nguyện viên được tiêm vaccine tiếp xúc với virus ở môi trường bên ngoài, các nhà khoa học sẽ thực hiện việc lây nhiễm trong các khu vực cách ly. Đây được cho là chiến lược sẽ giúp giảm đáng kể thời gian thử nghiệm vaccine so với quy trình hiện tại.Trong quá khứ, phương thức này đã từng được tiến hành đối với quá trình thử nghiệm các vaccine ngừa thương hàn, tả, sốt rét và một số bệnh truyền nhiễm khác. Tất nhiên trong bối cảnh hiện vẫn chưa có phương thức cụ thể để chữa trị các trường hợp nhiễm Covid-19, dễ hiểu là cách thức mà các nhà khoa học Anh tiến hành sẽ làm dấy lên các tranh cãi về khía cạnh đạo đức.Tuy nhiên, trong một động thái gần đây, Chính phủ Anh đã thông báo sẽ cung cấp khoảng 44 triệu USD để các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm trên. Dự kiến vào đầu tháng 1/2021, khoảng 90 tình nguyện viên khoẻ mạnh trong độ tuổi từ 18 – 30 sẽ tham gia vòng thử nghiệm đầu tiên. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cũng nhận định nguy cơ mà virus SARS-Cov-2 có thể gây biến chứng nặng hoặc thậm chí là tử vong đối với các tình nguyện viên trẻ khoẻ mạnh là khá thấp, điều này hoàn toàn có thể đánh đổi để giúp thúc đẩy quá trình sẽ cứu lấy sinh mạng của hàng chục nghìn người trên toàn thế giới.Bất chấp điều này, một số hãng dược phẩm hàng đầu hiện nay, bao gồm Johnson & Johnson và Moderna, vẫn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng của các nhà khoa học Anh, làm dấy lên câu hỏi các loại vaccine nào sẽ được sử dụng trong quá trình thử nghiệm. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa rõ các cơ quan chức năng tại châu Âu hay Mỹ có chấp thuận kết quả từ quá trình này hay không, hay liệu điều này có thể giúp đẩy nhanh quy trình phê duyệt các vaccine ngừa Covid-19.