Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh “vỏ” đô thị, “ruột” nông thôn

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở góc độ bất động sản, khi Hoài Đức chuyển hóa lên quận, chắc chắn bức tranh nhà đất sẽ thăng hạng. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ phải xem xét và xác định rõ các dự án đặc thù như động lực phát triển. Nếu không, dễ dẫn tới câu chuyện dù nhập vào nội đô nhưng quận vẫn tồn tại nhiều tiêu chí "treo".

 TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.
Để làm rõ hơn vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020. Ở góc nhìn chuyên môn, ông nhận định như thế nào về định hướng này?

- Trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, phần đô thị hóa lên quận tăng lên rất nhanh. Quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt đến 2030 đạt tỷ lệ 40% đô thị hóa. Từ thực tế đó, việc đưa một số huyện thành quận là hợp xu thế. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của Hoài Đức, cần xem xét đối chiếu và có kế hoạch thực hiện đủ các tiêu chí cơ bản theo Nghị định 1211 của Quốc hội. Cụ thể:

Thứ nhất, về thu chi ngân sách, Hoài Đức cần đảm bảo chi ít hơn thu. Theo đó, cần có động lực đẩy mạnh các dự án lớn.

Thứ hai, thu nhập bình quân của người dân Hoài Đức hiện nay, cần đạt hơn mức bình quân cả nước, ít nhất 5 - 10%.

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP hiện nay khoảng 7%. Vậy, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hoài Đức ít nhất phải đạt tỷ lệ đó. Nếu không cần nhanh chóng có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ tư, tỷ trọng giữa công nghiệp xây dựng và dịch vụ với nông nghiệp, ngành nông nghiệp nếu còn nên thấp hơn 10%.

Cuối cùng, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp phải đạt cỡ 80 - 90% với hơn 60% lao động được đào tạo bài bản.

Bài học từ Long Biên, một phần của huyện Gia Lâm lên quận cũng cần xem xét, thưa ông?

- Chính xác, khi tách Gia Lâm ra thành một quận Long Biên đã chọn khu vực có nhiều dự án ưu tiên và có sự khởi động tích cực. Đơn cử, Khu đô thị Việt Hưng, Thạch Bàn vốn dĩ là hai đại dự án thế mạnh nhất của quận Long Biên. Sự phát triển của các dự án này tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho bức tranh Long Biên. Thậm chí, tính đến hiện tại, Khu đô thị Việt Hưng còn là điểm đến hút dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, làn sóng “sốt nóng” nhà đất chỉ diễn ra cục bộ, chứ không phải toàn địa phận Long Biên như những lo lắng trước đó.

Ở một diễn biến tương tự, trong số các dự án ở Hoài Đức, vẫn còn không ít dự án đang chậm (các khu đô thị bỏ hoang, ít người ở). Vì lẽ đó, xem xét xử lý các dự án này để đẩy nó lên thành điểm tựa cho địa bàn Hoài Đức. Nếu không, rất dễ tái diễn tình trạng trở thành quận nội đô song nhiều tiêu chí vẫn bị “treo”.

Ý của ông là phải tránh thực trạng “vỏ” là đô thị, nhưng “ruột” vẫn... nông thôn?

- Hiện nay 65% diện tích của huyện Hoài Đức đã nằm trong vùng phát triển đô thị thuộc 3 quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Huyện cũng là một trong những địa phương phủ kín quy hoạch sớm nhất TP. Quốc hội vừa qua cũng đặt ra vấn đề về việc nhiều đô thị được mở rộng, phát triển nhưng các tiêu chí… vẫn "treo". Do đó, Thường vụ Quốc hội xác định lại, đặc biệt trong Luật Quản lý phát triển đô thị xem xét tới các khía cạnh mới như chương trình phát triển đô thị như thế nào, cân đối ngân sách chưa, xã hội hoá ra sao?

Huyện Hoài Đức cần có dự báo, lường trước được những vấn đề đô thị hóa đặt ra trên tiền đề các tiêu chí đã phân tích trên để có biện pháp ứng phó. Bởi, huyện đang có khoảng 230.000 người dân nhưng dự báo trong khoảng 5 - 10 năm tới con số này nâng lên từ 400.000 - 500.000 người. Tiêu chí về hành chính có thể đạt được, nhưng những tiêu chí xã hội không hề dễ. Đừng để "vỏ" là quận rồi mà "ruột" vẫn là nông thôn. Cần tập trung xây dựng quy hoạch chất lượng hơn với tầm nhìn dài hơi, từ đó mới có thể thu hút đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Xin cảm ơn ông!