Công nghệ số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Bởi vậy, chúng ta cần có những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, bảo vệ cũng như giáo dục trẻ em thói quen ứng xử văn minh, đúng mực trong không gian mạng.
Hôm nay (13/11), tại Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết, tính đến tháng 6/2015, tại Việt Nam đã có 45 triệu người dùng internet, chiếm 48% dân số, trong đó, số trẻ em tham gia mạng internet khá phổ biến.
Theo quan điểm của mạng Internet nhi đồng thế giới, khi trẻ em truy cập internet sẽ gặp phải 3 nguy cơ chủ yếu. Thứ nhất, trẻ em sử dụng những ứng dụng của mạng interne để liên lạc với bạn bè, người thân và người không quen biết, dễ dàng bị người xấu lừa gạt, dụ dỗ mắc vào những con đường tiêu cực. Trẻ truy cập internet không bị hạn chế về nội dung truy cập, vì thế dễ gặp phải những nội dung tiêu cực, đồi trụy, bạo lực. Những người làm kinh doanh từ mạng internet vì vụ lợi cá nhân mà lợi dụng trẻ em truy cập internet để thực hiện những ý đồ tiêu cực của mình.
Từ nhừng bất cập trong môi trường kỹ thuật số dân đến việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi các nội dung bạo lực. Theo thống kê có 14% trẻ em dùng công nghệ số ở thành thị và 20% ở nông thôn cho biết đã từng bị bạo lực trên các trang chơi game, qua tin nhắn hoặc gọi điện, hoặc qua tán gẫu.
Một cuộc khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội trên 370.000 học sinh, sinh viên thuộc 1.000 trường phát hiện ra đa phần học sinh, sinh viên tại Hà Nội đến các quán internet là để chơi trò chơi 1 đến 3 lần/tuần trong 1-3 giờ mỗi lần. Điều này cho thấy trẻ em bị nghiện game và mạng xã hội.
Ngoài ra, trẻ em còn bị bóc bóc lột thông qua văn hóa phẩm khiêu dâm và mua bán trẻ em. Trẻ em cũng bị xúc phạm danh dự, lừa đảo trực tuyến thông qua nguy cơ chia sẻ thông tin cá nhân và quyền riêng tư. Nghiên cứu của DCS UNICEF cho thấy một lượng không nhỏ trẻ em sẵn sàng chia sẻ những thông tin như chia sẻ số điện thoại, tên trường, vị trí địa lý.
Mặc dù trẻ em đang đối mặt với những nguy cơ trên mạng, thế nhưng các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu. Nhà nước chưa có quy định cụ thể đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng; năng lực của các cơ quan liên quan còn hạn chế.
Thứ nữa, đa phần phụ huynh không có thời gian và đủ kiến thức về công nghệ thông tin để giáo dục trẻ em. Các chương trình giáo dục của nhà trường mới dùng lại ở mức phổ cập tin học chứ chưa trạng bị kiến thức tự bảo vệ cho học sinh. Ngoài ra, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Hoa Nam cho rằng, việc lạm dụng và sử dụng internet không đúng mục đích sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em. Đáng lo ngại hơn, trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục hoặc vướng vào vòng pháp lý liên quan đến vấn đề nhạy cảm này.
Trước thực trạng trên, sự ra đời của đề án Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, sẽ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho phụ huynh. Đồng thời, tăng cường hệ thống kiểm soát, cung cấp các dầu hiệu nhận biết nguy cơ bị xâm hại, cảnh báo online cũng như cung cấp các biện pháp tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị câm hại trên môi trường mạng.
Mục tiêu cụ thể của đề án này nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Song song với đó là tăng tỷ lệ trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên môi trường mạng được phát hiện và hỗ trợ.
Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nươc từ năm 2016 đến năm 2020, trong đó chú trọng các thành phố, khu vực đô thị nơi có tỷ lệ lớn trẻ em tham gia sử dụng các ứng dụng tiện ích trong không gian mạng.
Kinhtedothi - Trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ trên môi trường mạng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |