Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trẻ hóa” làng kịch Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã khép lại vào tối 28/7 sau 2 tuần "đọ sức, tranh tài" tại Nhà văn hóa TP Huế.

Nhiều luồng dư luận khác nhau cho việc chọn đề tài hiện đại, thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức liên hoan, song người ta nhìn ra từ đây,những gương mặt trẻ đầy triển vọng của sân khấu kịch, đang dần thay thế những tên tuổi đi trước.

Chuyển giao…

Khác với những kỳ liên hoan trước, nhiều đạo diễn "gạo cội" của sân khấu Việt không tham gia nhiều. Thay vào những cái tên quá "nổi" như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền… là những tên tuổi kế cận, mới và trẻ. Trẻ ở tuổi đời và cũng có đạo diễn trẻ ở tuổi nghề. Trong số ấy, những cái tên đã ít nhiều được biết đến với tư cách là đạo diễn sân khấu có thể kể: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Anh Tú, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Đào Quang, NSƯT Hoàng Mai…

NSƯT Lê Chức, Trưởng Ban giám khảo nhận định: "Dường như đã có sự tiếp nối và bàn giao hợp lý giữa các đạo diễn sân khấu bậc thầy, đàn anh cho các đạo diễn trẻ và mới". Còn với tư cách Trưởng Ban tổ chức, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, đây là điều mừng, báo hiệu khi những đàn anh, những trụ cột của đạo diễn kịch Việt Nam lùi dần về hậu trường, thì đã có những gương mặt sáng bước tiếp nối. Tuy nhiên, tài năng và kinh nghiệm của thế hệ đạo diễn mới này chưa đạt "đỉnh" như các thế hệ đi trước. Nhưng lao động nghệ thuật là một quá trình phấn đấu lâu dài và bền bỉ, lực lượng kế cận này dự báo trong tương lai sẽ có những đạo diễn tài năng.

Ngay cả Hội đồng giám khảo của liên hoan kỳ này đã hội đủ thành phần từ diễn viên, đạo diễn, cho tới nhạc sĩ, họa sĩ, nhà phê bình… và được "trẻ hóa" với 3 người lần đầu tiên ngồi vào "ghế nóng" là NSƯT Lê Chức, nhạc sĩ Phú Quang và PGS.TS Lê Thị Hoài Phương.

Hướng đi mới

Tám đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia liên hoan (nhiều nhất từ trước đến nay) đã khẳng định hướng đi mới của kịch Việt. Các đơn vị sân khấu phía Nam được đánh giá là xã hội hóa rất thành công. Nếu ban đầu, chỉ có Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thu hút đông đảo công chúng, nay, đã xuất hiện nhiều cái tên xã hội hóa như: Vân Tuấn, Phước Sang, Thế giới trẻ, Sài Gòn Phẳng… Tạo nên sự cạnh tranh nghệ thuật lành mạnh. Nhiều vở diễn được tính toán kỹ về chất lượng nội dung và nghệ thuật trước khi dựng để "gọi" được khán giả và có nguồn thu. Theo ông Chương, kịch miền Bắc đang chuyển mình theo con đường xã hội hóa. Mà trước hết phải kể đến ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam…

Sự phát triển của đời sống xã hội phần nào đã khiến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu thay đổi. Như ông Nguyễn Đăng Chương nhận định: "Công chúng đang chấp nhận những tác phẩm đi sâu vào tâm lý xã hội, những hình tượng nghệ thuât đạt được giá trị thẩm mỹ. Và những tác phẩm đó hoàn thành được chức năng của nghệ thuật sân khấu: Giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức và dự báo".

Ban tổ chức đã trao Huy chương vàng cho 3 vở diễn (Tội ác và quyền lực; Những mặt người thấp thoáng; Lũ quét) và Huy chương bạc cho 6 vở diễn. Ngoài 34 cá nhân đạt HCV và 64 cá nhân HCB, Ban tổ chức cũng trao 4 hạng mục giải: Ðạo diễn trẻ xuất sắc nhất cho nghệ sĩ Xuân Bắc; tác giả trẻ xuất sắc nhất cho nghệ sĩ Bùi Quốc Bảo; diễn viên nam trẻ xuất sắc nhất cho nghệ sĩ Quang Tuấn và diễn viên nữ trẻ xuất sắc nhất cho nghệ sĩ Thanh Nhàn.