Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ học chữ trước giống như "chín ép"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 25/3, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với báo chí về vấn đề cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định, Bộ đã có chương trình nuôi dạy trẻ mầm non rất phù hợp với lứa tuổi.

Từ 1 đến 5 tuổi, trẻ cần được vui chơi là chính, việc học chỉ là làm quen với chữ cái và chữ số. Khi lên lớp 1, trẻ sẽ có một tuần để làm quen với trường lớp, bạn bè, nội dung học tập. Thời gian này sẽ giúp trẻ chuyển dần từ trạng thái chơi sang học.

“Cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 giống như bắt chín ép, rất phản khoa học. Khi giáo viên dạy không chu đáo, trẻ có thể ngồi sai tư thế, viết sai, sau này sửa khó. Việc này cũng khiến trẻ dễ gặp phải những khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Khi vào lớp 1 trẻ sẽ không còn sự háo hức, chủ quan khi thấy kiến thức cũ và càng về sau càng đuối”, ông Định phân tích.
 
Trẻ học chữ trước giống như "chín ép" - Ảnh 1

Vụ phó Giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Hiếu khuyên phụ huynh không nên đua nhau cho trẻ đi học chữ sớm, không nên kỳ vọng con phải giỏi ngay từ nhỏ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Trong những năm gần đây, sĩ số các lớp học ở thành phố ngày càng tăng do sức ép của thanh niên đổ dồn về đây làm việc, rồi lập gia đình. Vụ trưởng Định cho rằng, cần tổ chức dạy 2 buổi mỗi ngày và nghiên cứu, áp dụng hình thức học nhóm để đạt hiệu quả cao hơn. Việc cho điểm học sinh lớp 1 cũng sẽ được nghiêm cấm. Tình trạng dạy thêm học thêm trước tuổi sẽ được siết chặt, xử lý theo trách nhiệm, thi đua của giáo viên, hiệu trưởng, phòng và các Sở Giáo dục.

Vụ phó Giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Hiếu khuyên phụ huynh không nên đua nhau cho trẻ đi học chữ sớm, không nên kỳ vọng con phải giỏi ngay từ nhỏ. Chỉ cần học đúng chương trình mầm non đã đủ điều kiện cả về thể chất để trẻ bước vào lớp 1. Cha mẹ cần trò chuyện, khuyến khích trẻ nói suy nghĩ về trường lớp, giúp các cháu phát triển kỹ năng quan sát, tập trung chú ý, giao tiếp, hòa nhập và nỗ lực học tập. Việc cho trẻ đi tham quan trường tiểu học, làm quen với đồ dùng học tập, đọc sách cho trẻ nghe cũng cần thiết.

“Xã hội và báo chí cần giúp sức với Bộ Giáo dục cung cấp địa chỉ làm sai quy định, nơi giáo viên bắt học sinh học sai chương trình để Bộ chỉ đạo xử lý nghiêm”, bà Hiếu đề nghị.