Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai các giải pháp nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế đã có Chỉ thị số 05/CT-BYT về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2022 và 2023, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đều đạt vượt mức Chính phủ giao. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe và tử vong ở trẻ: sơ sinh, dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi (gọi tắt là tử vong trẻ em) tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2 đến 3 lần so với các vùng thành thị, đồng bằng.

Tốc độ giảm tử vong trẻ em trên toàn quốc có xu hướng chậm lại, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm chỉ giảm được 0,22%0. Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam (18,9 %0) cao gấp 2,4 lần Thái Lan (8%0- nguồn UNICEF).

Trẻ em điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư
Trẻ em điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư

Mặt khác, việc thực hiện các can thiệp chuyên môn nhằm giảm tử vong trẻ sơ sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện có chiều hướng giảm.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1493/QĐ-TTg ban hành Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 cho đến nay chưa có tỉnh nào bố trí ngân sách của địa phương để triển khai thực Quyết định 1493 (theo báo cáo của 52 tỉnh).

Nhằm giảm tử vong trẻ em và thực hiện quyết liệt Quyết định số 1493/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh/TP ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh/TP về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo đó, các đơn vị tập trung tăng cường bố trí ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của T.Ư, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung thực hiện các giải pháp can thiệp, chỉ tiêu giảm tử vong trẻ em tại Quyết định 1493.

Các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên ngành sản, nhi củng cố, nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện rộng rãi các can thiệp chuyên môn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ. Mặt khác, triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi; tiêm chủng vaccine.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp, sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh các giải pháp giảm tử vong trẻ em do dịch bệnh, đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai...