Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 là xu thế tất yếu, không thể không làm

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (22/9), Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban cải cách hành chính (CCHC) 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2016.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trên địa bàn, công tác CCHC từ đầu năm đến nay đã được triển khai toàn diện trên các nội dung.

Đặc biệt, TP rất chú trọng và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành. Sau thí điểm thành công tại các phường của quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm, từ 10/8/2016, TP triển khai đồng loạt hệ thống DVCTT mức độ 3 về khai sinh, khai tử và liên thông TTHC đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi tại 144 phường của 10 quận còn lại.
 Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn chủ trì hội nghị

Để tiếp tục nhân rộng tại các huyện, UBND TP đã xác định lộ trình từ 1/10/2016 sẽ triển khai tại 6 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì và từ 1/12/2016 tại các huyện còn lại. UBND TP cũng đã thống nhất danh mục DVCTT mức độ 3, 4 của TP triển khai trong năm nay gồm 132 DVC thuộc 37 nhóm dịch vụ, trong đó 2 TTHC cấp sở, 11 TTHC cấp huyện và 19 TTHC cấp xã.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng CCHC Sở Nội vụ cũng nhận định, trong triển khai DVCTT, số lượng, tên TTHC đang được cung cấp ở mức độ 3, 4 tại các cơ quan, đơn vị chưa được tổng hợp và cập nhật.

Trong khi, phần mềm cung cấp DVCTT mức độ 3 triển khai tại các phường thuộc 12 quận vẫn thể hiện không ít lỗi: Mẫu chiếu chưa phù hợp quy định, trường thông tin chưa phù hợp, phí - lệ phí ghi chưa đúng, chưa theo dõi được tình trạng nhận - giải quyết hồ sơ tại cơ quan Công an…

Trong 3 tháng còn lại năm nay, lãnh đạo UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tập trung triển khai 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh CCHC, trong đó cần triển khai đồng bộ Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch 158/KH-UBND ngày 24/8/2016 của UBND TP về CCHC nhà nước của TP giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt chú trọng triển khai nhân rộng DVCTT, UBND TP yêu cầu các quận, huyện, xã, phường, sở, ngành… tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các nội dung về giải quyết TTHC cho người dân, DN, nhất là lợi ích của việc thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.

Liên quan đến việc triển khai DVCTT này, trước những phản ánh về khó khăn vướng mắc từ các phường đang thực hiện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh: Bất cứ công việc gì trong thời gian đầu triển khai cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, bất cập. TP đang có những giải pháp tích cực tháo gỡ vướng mắc, nhất là về hệ thống phần mềm, trang thiết bị; nhưng các đơn vị cũng cần chủ động, cố gắng hết sức để giải quyết những vấn đề thuộc khả năng của mình, chú trọng tăng cường hơn tuyên truyền tới người dân về lợi ích và cách thức sử dụng DVCTT. Về phía Sở Thông tin & Truyền thông, cần tham khảo các mô hình hay về triển khai DVCTT ở phường Hạ Đình, phường Đại Mỗ…; chọn các kênh truyền thông hiệu quả, trong đó có các cơ quan báo đài chính thống của TP để đẩy mạnh tuyên truyền; hướng tới tuyên truyền trong các học sinh cấp THPT vì đây sắp là công dân trưởng thành, sẽ trợ giúp đắc lực cho ông bà, bố mẹ sử dụng DVCTT.

“Nền hành chính hiện nay đã được từ T.Ư đến cấp cơ sở xác định là nền hành chính phục vụ, mà để tạo thuận lợi tối đa cho người dân thì đương nhiên cán bộ phải thêm việc về mình. Vấn đề cần giải quyết chỉ là cơ chế hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện như thế nào; còn ai là người mang kết quả đến tận nhà cho người dân - cán bộ tư pháp phường, công an phường, hay cán bộ BHXH quận - điều này không khó giải quyết, mà quan trọng là cơ quan tài chính cần tham mưu cho TP về mặt kinh phí hỗ trợ.

Các xã, phường không thể không làm làm DVCTT mức độ 3, và đây đã là vấn đề được đưa vào nghị quyết của TP và là xu thế tất yếu trên thế giới. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức nên dành 5-10 phút mỗi ngày để cập nhật kỹ năng mới về ứng dụng CNTT, nhằm phù hợp với xu thế thời đại, tránh nguy cơ tụt hậu và bị đào thải”, ông Tuấn thẳng thắn nói.