Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Hướng dẫn rõ ràng, công khai kết quả

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/4, tại hội nghị trực tuyến triển khai hướng dẫn và giám sát thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng rất quan trọng, đừng để ai phải xử lý về Đảng, chính quyền, các hình thức kỷ luật.

Công khai các số điện thoại để Nhân dân phản ánh
Theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 42 và Quyết định 15 cũng như để chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, MTTQ, ngành LĐTB&XH, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải “Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”. Đặc biệt, phải chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách. Cùng với việc công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ, ông Mẫn đề nghị cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ T.Ư đến cấp tỉnh, huyện, xã, để Nhân dân trực tiếp phản ánh.
 Quang cảnh hội nghị.  Ảnh: Thủy Trúc
“Ở MTTQ T.Ư, tôi yêu cầu công khai 3 số điện thoại của: Trưởng ban Phong trào, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của Nhân dân” – ông Mẫn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 42 và gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 20 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Vì thế, các địa phương bám sát các nguyên tắc cơ bản là tập trung chỉ hỗ trợ người lao động bị giảm sâu về thu nhập do ảnh hưởng Covid-19 không bảo đảm mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định trong quyết định và nghị quyết của Chính phủ. Tinh thần là Nhà nước và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm bảo đảm cuộc sống của người dân.
4 đối tượng được trả trước ngày 30/4
Tại điểm cầu Hà Nội, báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 42, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Trong khi chờ hướng dẫn của Thủ tướng, Hà Nội đã chủ động giao cho Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với ngành liên quan rà soát, thống kê các đối tượng theo Nghị quyết số 42; Sở Tài chính chuẩn bị nguồn tài chính. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 1.477.000 đối tượng thụ hưởng chính sách trong Nghị quyết 42 và dự kiến kinh phí 3.520 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng nêu ra 5 vướng mắc liên quan đến người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng chết trong tháng 4 nhưng chưa kịp khai báo; hộ nghèo, cận nghèo phát sinh thêm nhân khẩu... Đồng thời đề nghị thẩm quyền phê duyệt thực hiện được giao cho chủ tịch quận, huyện, thị xã để việc triển khai chính sách nhanh tới đối tượng thụ hưởng. TP Hà Nội và nhiều địa phương khẳng định sẽ cố gắng chi trả cho 4 đối tượng trước ngày 30/4.
Phản hồi những vấn đề các địa phương nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu cố gắng triển khai càng gói gỗ trợ sớm càng tốt không để đối tượng được thụ hưởng phải chờ đợi lâu. Bộ LĐTB&XH sẽ lập đường dây nóng, nghiên cứu giải đáp ngay chính sách.
Ông Dung cũng đề nghị MTTQ và các ban ngành liên quan giám sát công khai ngay từ đầu, điều chỉnh cho phù hợp Quyết định 15. Đối với những địa phương gặp khó khăn về ngân sách có thể đề xuất với Chính phủ cho ứng trong phạm vi nhất định.
“Chúng tôi mong muốn làm sao, đừng để “dê, gà nhà đi lạc đường”. Chúng tôi mong tự giác, kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực với gói an sinh dành cho người nghèo, đừng để ai phải xử lý về Đảng, về chính quyền, về các hình thức kỷ luật” – ông Dung nói.