Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Nhiều hồ thủy điện ở mực nước chết, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho cho sản xuất điện. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng, trong khi đó, nắng nóng khiến mức tiêu thụ điện kỷ lục sấp xỉ 924 triệu kWh/ngày... là những khó khăn mà ngành điện đang gặp phải.

Mực nước chết ảnh hưởng đến cấp điện

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết, những tháng qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động chung của nền kinh tế và giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, EVN đã hết sức nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của Nhân dân.

Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dẫn tới hoạt động của các nhà máy thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.  Tính đến ngày 21/5/2023, tại khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém.

Đến nay, có 17/47 hồ thủy điện lớn về mực nước chết, hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, cá biệt một số hồ chỉ đạt 20%, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Công nhân truyền tải điện Phước Ninh, Ninh Thuận kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân truyền tải điện Phước Ninh, Ninh Thuận kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: Khắc Kiên

Các nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp cùng với một số nguồn nhiệt điện cũng bị giảm công suất do nắng nóng nên khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc chỉ khoảng 42.000/19.000MW (cao điểm chiều), 39.200/18.000MW (cao điểm tối). Để đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO.

Hiện nay hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Mặc dù, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia  đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng tính đến ngày 21/5/2023 sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỷ kWh, thấp hơn 1,726 tỷ kWh so với kế hoạch năm (miền Bắc thấp hơn 1,033 tỷ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh).

Thời tiết nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tập trung tại khu vực miền Bắc và miền Trung, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện đang tăng cao. Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới sấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Giải pháp tiết kiệm

Trước những khó khăn, Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân cho biết, EVN đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện.

Điện gió Sóc Trăng.
Điện gió Sóc Trăng.

EVN làm việc với các Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện; đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc; báo cáo các UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn.

Đến ngày 21/5/2022 đã có 27 UBND tỉnh, thành ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ CHí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đăk Nông, Long An, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Trị, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Lai Châu, Hải Phòng, Ninh Bình.

Đặc biệt, triển khai một loạt các giải pháp tiết kiệm điện như thực hiện tiết kiệm điện tại trụ sở, cơ quan làm việc của các đơn vị trực thuộc tổng công ty điện lực (tiết kiệm 10%); tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (tiết kiệm 10%); chiếu sáng công cộng (tiết kiệm 50%); chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời (tiết kiệm 50%); các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiết kiệm 2%).

“Kết quả trung bình mỗi ngày các biện pháp trên đã góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày (trong đó chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900 nghìn kWh/ngày) và mức tiết kiệm có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới” – ông Trần Đình Nhân thông tin.

Bên cạnh các giải pháp về tiết kiệm điện, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ. Với gần 11.000 khách hàng đã ký thỏa thuận tham gia chương trình DR, trong thời gian qua, theo lệnh điều độ để đảm bảo yêu cầu vận hành an toàn hệ thống điện, trung bình mỗi ngày các đơn vị đã thực hiện từ 80 - 90 sự kiện DR với khoảng 2.500 doanh nghiệp tham gia và công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400MW.

Để triển khai thành công và hiệu quả cao các chương trình tiết kiệm điện hiệu quả 2023 và những năm tiếp, EVN kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện, giai đoạn 2023 – 2025 (thay thế Chỉ thị 20/CT-TTg) và hướng dẫn UBND tỉnh, thành, EVN thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025.  

Ngoài ra, Bộ Công Thương ban hành, hướng dẫn và hỗ trợ UBND tỉnh thành phố, EVN và các đơn vị, các khách hàng sử dụng điện các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện (DR).

EVN cũng mong UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan phát thanh/truyền hình, báo đài các cấp tuyên truyền sâu rộng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tiết kiệm điện. Tăng cường tiết kiệm điện đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị chiếu sáng công cộng. Phối hợp với các đơn vị điện lực thực hiện các chương trình đảm bảo điện, tiết kiệm điện và DR.