Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trình cáo trạng vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 17/1, công tố viên Daniel Bellemare của Tòa án đặc biệt về Lebanon (STL) được Liên hợp quốc bảo trợ xét xử vụ sát hại cựu Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri năm 2005 đã trình bản cáo trạng lên thẩm phán Daniel Fransen.

KTĐT - Ngày 17/1, công tố viên Daniel Bellemare của Tòa án đặc biệt về Lebanon (STL) được Liên hợp quốc bảo trợ xét xử vụ sát hại cựu Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri năm 2005 đã trình bản cáo trạng lên thẩm phán Daniel Fransen.

Theo quy định tố tụng, cáo trạng sẽ được thẩm phán Fransen xem xét và xác nhận trước khi bất cứ lệnh bắt hoặc triệu tập nào được đưa ra. Ông Fransen có quyền bác bỏ toàn bộ hoặc từng phần cáo trạng và yêu cầu công tố viên cung cấp thêm thông tin. Thẩm phán Fransen có thời gian từ 6 đến 10 tuần để xác nhận cáo trạng và trong vòng từ 6 đến 10 tháng sau đó, phiên xét xử sẽ được xúc tiến.

Nội dung của cáo trạng vẫn được giữ bí mật, song một số nguồn thạo tin cho rằng bản cáo trạng cáo buộc Phong trào Hồi giáo Hezbollah dính líu đến vụ ám sát. Phản ứng trước thông tin này, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah khẳng định sẽ bảo vệ uy tín của Hezbollah và coi STL là công cụ của Mỹ và Israel.

Động thái trên làm dấy lên quan ngại về nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Lebanon thêm trầm trọng.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri đã sụp đổ hôm 12/1 sau khi 11 bộ trưởng, trong đó có 10 người là thành viên Phong trào Hezbollah, từ chức để phản đối việc ông Hariri từ chối tổ chức một phiên họp nội các đặc biệt thảo luận khả năng các thành viên Hezbollah bị STL truy tố.

Ông Nasrallah chỉ trích ông Hariri nhượng bộ sức ép của Mỹ và Israel, đồng thời cho rằng lẽ ra theo thỏa thuận với Hezbollah, Chính phủ Lebanon phải ngưng tài trợ cho tòa án xét xử, hủy bỏ thỏa thuận với STL.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên ở Lebanon kiềm chế, không nên chính trị hóa công việc của STL. Ông khẳng định sự ủng hộ dành cho STL và nhấn mạnh "không được để tiến trình tư pháp độc lập liên quan tới bất kỳ tranh cãi chính trị nào."

Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh việc công tố viên STL trình cáo trạng và cho rằng đây là bước đi quan trọng để đưa những thủ phạm vụ ám sát ra trước pháp luật. Ông Obama cũng kêu gọi các phe phái tại Lebanon kiềm chế.

Trong khi đó, các nước trong khu vực gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria phối hợp các nỗ lực ngoại giao để tìm cách tháo gỡ bế tắc tại Lebanon và ngăn chặn nguy cơ bùng phát bạo lực.

Ngày 17/1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tiểu vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã họp tại Damacus-Syria để thảo luận về tình hình Lebanon.

Sau đó, Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/1 đến Lebanon để tìm cách hòa giải các phe phái./.