Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tripoli chưa yên tiếng súng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 24/8, phe nổi dậy đã san phẳng dinh thự của ông Gaddafi tại thủ đô Tripoli và tuyên bố cuộc chiến lật đổ Chính phủ Libya đã kết thúc. Đồng thời cho biết, tổng hành dinh của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) sẽ nhanh chóng được chuyển về thủ đô Tripoli.

Gaddafi thề chiến đấu tới cùng
 
Tuy nhiên, những gì được các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC, Reuters truyền hình trực tiếp cho thấy, Tripoli vẫn chưa yên tiếng súng và phe nổi dậy chưa thực sự giành được quyền kiểm soát tại đây. Ngày 24/8, trong một thông điệp trên đài truyền hình Arrai Oruba có trụ sở tại Syria, ông Gaddafi đã hối thúc người dân ở thủ đô "quét sạch lũ chuột khỏi Tripoli". Đồng thời cho biết, việc rút khỏi khu dinh thự, vốn là biểu tượng cho quyền lực 42 năm qua của ông là một "chiến thuật" và thề sẽ trường kỳ kháng chiến để bảo vệ chế độ của mình. Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Libya cho biết khoảng 12.000 người thuộc các bộ lạc đang bao vây Tripoli và tin rằng lực lượng trung thành với ông Gaddafi sẽ sớm giành lại Triopli.
 
Thời điểm kết thúc cuộc chiến tại Libya vẫn còn là dấu hỏi lớn khi lực lượng nổi dậy đang tiến về thành phố Sirte quê hương của ông Gaddafi từ hướng Đông và Tây. Trong khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã bắn một số tên lửa Scud từ Sirte nhằm vào thành phố ven biển Misrata do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Theo các nguồn tin phương Tây, lực lượng của ông Gaddafi hiện có trong kho dự trữ khoảng 240 tên lửa đạn đạo và tên lửa "Scud B" với tầm bắn 300km.
 
Đặc biệt, hiện chưa rõ kho vũ khí hóa học gồm 10 tấn khí độc và các nguyên liệu hạt nhân thô cùng khoảng 30.000 quả rocket vác vai có thể tiêu diệt máy bay đang nằm dưới sự kiểm soát của phe nào. Nếu nó vẫn nằm trong tay ông Gaddafi, nhiều khả năng ông ta có thể sử dụng loại vũ khí này để chống cự tới cùng.
 
Tranh cãi về vai trò của NATO
 
Một trong những diễn biến bất ngờ bên lề cuộc chiến tại Libya là việc Nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ Dennis Kucinich hôm 23/8 đã lên tiếng phản đối vai trò của NATO trong cuộc chiến tại Libya, đồng thời kêu gọi đưa các lãnh đạo quân sự NATO ra xét xử theo luật pháp quốc tế vì liên quan việc gây chết chóc cho người dân quốc gia Bắc Phi này. Theo thống kê chưa chính thức, ít nhất 400 người đã thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương trong 3 ngày giao tranh ác liệt tại Tripoli vừa qua. Trong khi đó, người phát ngôn của NATO khẳng định, lực lượng này sẽ chỉ đóng vai trò thứ yếu tại Libya thời kỳ hậu Gaddafi. Tuy nhiên, NATO sẽ tiếp tục bảo vệ dân thường Libya, cấm vận vũ khí, và thực hiện vùng cấm bay, giám sát các đơn vị quân sự ở Libya.
 
Cuộc đua giành lợi ích đã bắt đầu
 
Trong bối cảnh Tripoli vẫn chưa yên tiếng súng, nơi ẩn náu của ông Gaddafi vẫn còn là một ẩn số thì nhiều quốc gia đã vội vã lao vào một cuộc đua tranh giành "miếng bánh" lợi ích tại Libya. Giống như thời kỳ hậu chiến ở Iraq, các nước phương Tây, đặc biệt là các thành viên NATO đã tham gia cuộc không kích Libya, đều nhanh chóng công khai mong muốn các công ty của mình sớm tiếp cận các giếng dầu ở Libya.
 
Ngày 22/8, các kỹ thuật viên của Eni (Italia) đã lên đường đến miền đông Libya để nối lại hoạt động sản xuất dầu thô, trong khi hãng BP (Anh), Total (Pháp) tuyên bố sẽ sớm trở lại Libya để tiếp tục hoạt động. Hiện, Royal Dutch Shell (Hà Lan), Repsol YPF (Tây Ban Nha), OMV (Áo) và các tập đoàn Mỹ như Hess, ConocoPhillips và Marathon đang theo dõi sát diễn biến và sẵn sàng quay lại Libya ngay khi có thể. Nhiều nhà phân tích dự báo, trong thời gian tới, các công ty dầu quốc tế, đặc biệt là Total và Eni với Chính phủ Pháp và Italia đứng sau, sẽ cạnh tranh dữ dội để ký được những hợp đồng khai thác tốt nhất. Sự trở lại của các nước phương Tây và tuyên bố "có vấn đề với Nga, Trung Quốc và Brazil" của Công ty dầu Agoco thuộc sở hữu của phe nổi dậy cho thấy ba nước không ủng hộ cuộc trừng phạt chế độ Gaddafi có thể mất các hợp đồng trị giá hàng chục tỉ USD tại đây. Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, Moscow sẽ công nhận NTC nếu lực lượng này thống nhất được đất nước. Cùng ngày, giới chức Trung Quốc bày tỏ hy vọng có thể đóng vai trò tích cực trong công cuộc tái thiết Libya.