Tại phòng chờ giáo viên của THPT Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Trung Hiếu (lớp 11 chuyên Lý) chưa hết bất ngờ vì "bỗng dưng" có nhiều người quan tâm. Hiếu chưa bao giờ nghĩ bài văn kể về hoàn cảnh thực của gia đình quay cuồng trong túng thiếu lại được lan truyền như thế. "Em đơn giản chỉ làm bài kiểm tra cho cô chấm điểm, và vì cô yêu cầu viết thật cảm xúc nên em đã làm đúng như thế", cậu nói. Hiếu cho hay, đây là bài tập làm văn đầu tiên của lớp 11. Cô giáo Đặng Nguyệt Anh giao ba đề nghị luận để học sinh lựa chọn, đó là vấn đề tiền bạc, tình yêu, và học sinh mặc đồng phục đi xe máy. Hiếu đã chọn đề bài quan điểm về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống "bởi đó là vấn đề em quan tâm nhất và phù hợp với hoàn cảnh của em".
Không viết theo cách thông thường, Hiếu thể hiện bài luận dưới dạng một bức thư gửi mẹ. Đặt bút viết lúc 12h đêm, khi mẹ đã ngủ, Hiếu kể lại những gì mình đã, đang trải qua trong ngôi nhà có ông bà, bố mẹ, nhưng không ai còn sức lao động. Cuộc sống được duy trì bằng đồng lương hưu ít ỏi của ông, trong khi ông ốm liệt giường và mẹ Hiếu phải đi chạy thận. Dù là "thư gửi mẹ" nhưng Hiếu chưa hề mong muốn mẹ đọc được bởi "đọc rồi mẹ sẽ nghĩ nhiều hơn, sẽ thấy khổ hơn". Khẽ nhíu mày, cậu học trò chuyên Lý cho hay, khi em lên lớp 3 thì mẹ phát hiện bị suy thận, phải chạy một tuần 3 lần. Từ đó cho đến khi lên lớp 8, cậu con trai duy nhất trong nhà vẫn ngờ nghệch, chưa hiểu hết giá trị của đồng tiền. "Lên lớp 8, em hiểu rằng gia đình mình khó khăn, tiền là thứ rất quan trọng để bảo toàn tính mạng cho mẹ và em bắt đầu dè dặt chi tiêu", Hiếu chia sẻ. Đòi đi làm thêm để chia sẻ gánh nặng với gia đình nhưng mẹ không cho, Hiếu bắt đầu nhịn ăn sáng. Những hôm phải học cả ngày trên trường, Hiếu mang cơm với muối vừng để ăn. Cậu học trò lớp 11 chuyên Lý vì thế cao hơn 1,7 m, nhưng chỉ nặng 43 kg. Hiếu chưa bao giờ kể về hoàn cảnh gia đình mình với các bạn vì sợ người khác phải bận tâm vì mình. Cậu xác định nhà nghèo phải học giỏi, không chỉ Lý mà tất cả môn. Cố nén những giọt nước mắt chực trào, bằng giọng nghèn nghẹn, Hiếu cho biết, nhiều lúc chứng kiến bố mẹ vật lộn với thiếu thốn, với những bữa cơm không đủ chất, cậu chỉ ước rằng giá như gia đình mình được đủ đầy như các bạn. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ tồn tại trong chốc lát, Hiếu quan sát thực tế và nhận ra rằng, bạn bè mình không phải tất cả đều là con nhà giàu. "Có nhiều bạn vẫn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Còn nhiều bạn sống đầy đủ vì các bạn ấy may mắn hơn. Quan trọng là chúng em đoàn kết và đối xử với nhau rất tốt", Hiếu nói và cho hay, sau khi tham gia tình nguyện, tiếp xúc với nhiều người bất hạnh, cậu hài lòng với những gì đang có, và phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn ở tương lai. Hiếu tham gia câu lạc bộ tình nguyện trẻ, hoạt động theo từng đợt như phát cơm chay cho sĩ tử hay trung thu cho trẻ em khuyết tật, trẻ lang thang, sống ở gầm cầu, bãi rác. Vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên Hiếu hiểu cảm giác của các em nhỏ, và điều đó thôi thúc em tích cực tham gia các hoạt động.
Mới đây, Hiếu là thành viên tích cực góp phần xây dựng thư viện cho trẻ em nghèo ở Mường Tè (Lai Châu). Cậu tham gia nhóm hậu cần, có nhiệm vụ quyên góp đồ, vận chuyển đến nơi tập kết, thu xếp và phân loại trước khi đem tặng cho các em. Cậu học trò nhỏ tâm sự, em ước mơ sau này sẽ làm trong ngành công nghệ ứng dụng, cụ thể là đưa công nghệ sinh học vào đời sống, y tế. Hiếu hy vọng mình có thể chữa bệnh cho mẹ, cho ông và các em nhỏ bất hạnh. Bạn học cùng lớp cho hay, trong lớp Hiếu rất hiền, chăm chỉ. "Hoàn cảnh của Hiếu lớp chỉ biết sơ qua, chỉ biết mẹ bạn ấy chạy thận. Mãi đến khi chấm xong bài tập làm văn, cô đem bài viết của Hiếu đọc cho cả lớp nghe bọn em mới hiểu rõ. Hôm đó cô vừa đọc vừa khóc trước lớp, nhiều bạn cũng sụt sùi thương Hiếu", cậu bạn học nói. Hiệu phó THPT Hà Nội - Amsterdam Lê Thị Oanh cho biết, Hiếu là học sinh chuyên Lý nhưng lại học giỏi toàn diện. Em vừa giành giải nhì môn Lý trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố và nằm trong đội tuyển dự thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia. "Hoàn cảnh của Hiếu chúng tôi đã biết khi em bắt đầu vào học lớp 10 thông qua giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường đã dành cho em nhiều quỹ học bổng, miễn các khoản đóng góp và tổ chức quyên góp để chia sẻ khó khăn với gia đình em", cô Oanh nói và cho hay, việc giúp đỡ học sinh khó khăn là truyền thống của trường suốt 20 năm qua, được thực hiện bằng tiền của các nhà hảo tâm, hội phụ huynh, cựu học sinh nhà trường.