Cụ thể, thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, từ 6 giờ ngày 23/8 đến 6 giờ ngày 25/8, 12 chốt cửa ngõ đã kiểm soát 22.680 phương tiện. Trong số đó có 1.079 ôtô; 122 xe khách; hơn 20.400 xe tải cùng 24.508 người Việt Nam và 24.507 người nước ngoài, kiểm tra thân nhiệt hơn 1.200 người, buộc quay đầu xe 118 trường hợp.
Riêng lực lượng Công an TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã kiểm tra gần 79.000 phương tiện bao gồm xe máy, ôtô tải, xe khách với hơn 22.163 người Việt Nam và 22.340 người ngoại quốc.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại điểm kiểm soát dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngày 23/8. Ảnh: Huy Chương |
Lập biên bản 694 trường hợp, thu phạt hành chính hơn 1,3 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là ra đường không có lý do chính đáng; tụ tập đông người.
Hiện, sau 2 ngày tăng cường giãn cách, thành phố đang duy trì 12 chốt kiểm soát dịch tại khu vực cửa ngõ, 393 chốt kiểm soát tại quận, huyện, TP Thủ Đức và 671 tổ tuần tra cơ động trên đường.
Trước đó, tối ngày 24/8, Công an TP có thông báo hướng dẫn thực hiện kiểm soát người được phép lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo các Công văn 2796, 2800 và 2850 của UBND TP.
Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP cho biết, trước 0 giờ ngày 25/8, tất cả người trong 17 nhóm tại Công văn 2800 và nhóm bổ sung tại Công văn 2850 của UBND TP được phép di chuyển phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp.
Sau 0 giờ ngày 25/8, mẫu giấy đi đường tại Công văn 2800 sẽ không còn được sử dụng mà phải dùng mẫu mới do PC08 cấp. Phòng có nhiệm vụ cung cấp giấy đi đường theo mẫu mới kèm chữ ký và đóng dấu cho các sở, ngành rồi điền vào theo thông tin trong mẫu và thực hiện.
Về phạm vi hiệu lực của giấy đi đường, Công an TP cho biết giấy đi đường do Phòng PC08 và Công an cấp huyện được ủy quyền có hiệu lực toàn TP; giấy đi đường do Trưởng công an cấp xã được ủy quyền ký có hiệu lực trong phạm vi cấp huyện của nơi đó.
Từ 23/8 đến hết 6/9, TP thực hiện Chỉ thị 11 về tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...). Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.
20% số hộ dân tại TP Hồ Chí Minh được “đi chợ hộ” mỗi ngày Chiều ngày 25/8, tại họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP, cho biết trong hai ngày 23 và 24/8, lực lượng chức năng đã “đi chợ hộ” cho khoảng 20% số hộ dân tại TP trong mỗi ngày. Theo đánh giá của TP, các hàng hóa phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân, giá cả tại các siêu thị không có sự biến động mạnh. Mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức đi chợ hộ cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn. Trước đó, theo hướng dẫn của UBND TP, TP nâng cao các biện pháp giãn cách xã hội, người dân "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 238 đến 6/9. Trong đó, TP yêu cầu người dân không tự đi chợ. Với người dân chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần một lần. Những người khó khăn, TP sẽ hộ trợ thông qua việc chuẩn bị 2 triệu túi an sinh. |