Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trưng bày 25 di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng tại Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7 – 5/9, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò sẽ diễn ra trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản”, giới thiệu 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm tại Hà Nội.

Trưng bày do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2024).

Trưng bày chuyên đề "Một thoáng di sản" giới thiệu nhiều di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trưng bày chuyên đề "Một thoáng di sản" giới thiệu nhiều di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các tư liệu, hình ảnh giới thiệu nhiều di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, Bắc Bộ Phủ, trước đây là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ do chính quyền thực dân Pháp xây dựng, gồm tòa nhà văn phòng (xây dựng năm 1898) và tòa Phủ Thống sứ (xây dựng năm 1918). Sau khi đảo chính Pháp (9/3/1945), Nhật đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.

Ngày 19/8/1945, Nhân dân Hà Nội và các đơn vị tự vệ chiến đấu tiến vào chiếm Phủ Khâm sai. Ngày 20/8/1945, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di tích Nhà số 48 phố Hàng Ngang.
Di tích Nhà số 48 phố Hàng Ngang.

Di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang vốn là nhà của vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội cuối tháng 8/1945.

Tại đây, Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thành phần của Chính phủ mới và tổ chức ngày Lễ Độc lập. Ở căn phòng trên tầng hai của ngôi nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Di tích nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc (3/12/1946 – 19/12/1946) tại Vạn Phúc, Hà Đông, nguyên là nhà của ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, Người đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong hai ngày 18 – 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, thông qua Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Phủ Chủ tịch trước đây là Dinh toàn quyền Đông Dương, do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1900 - 1907. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nơi đây trở thành Dinh toàn quyền Nhật.

Năm 1946, khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã sử dụng làm Dinh Quốc trưởng. Tháng 10/1954, sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô, Dinh trở thành Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón các đoàn khách trong nước và quốc tế, nơi họp Hội đồng Chính phủ. Tòa nhà nằm trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, năm 2009 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Tại trưng bày, công chúng sẽ có dịp khám phá nhiều công trình được thực dân Pháp xây dựng, hiện được công nhận là di tích quốc gia như: Khu đấu xảo, Tòa án Hà Nội, nhà số 90 phố Jean Soler (nay là phố Thợ Nhuộm), Hà Nội - nơi làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930.

Nhà số 5D đại lộ Dourdart de Lagrée (nay là phố Hàm Long), Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam; Ngân hàng Đông Dương - Chi nhánh Hà Nội do chính quyền thực dân Pháp xây dựng tại đại lộ Courbet (nay là phố Lý Thái Tổ). Tại đây, tháng 7/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã tạm lánh trên gác để viết tác phẩm “Tự chỉ trích”; nhà số 101 phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), là trụ sở của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa) tháng 8/1945.

Cũng tại trưng bày, công chúng sẽ có dịp khám phá lịch sử các di tích quen thuộc như Nhà hát Lớn Hà Nội, quảng trường Cách mạng tháng Tám, pháo đài Láng, quảng trường Ba Đình, chợ Đồng Xuân, nhà tù Hỏa Lò, cầu Long Biên, bốt Hàng Trống, ga Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai, cột cờ Hà Nội...