ĐBQH lo ngại tu bổ di tích lấy số lượng sẽ "giảm tuổi thọ" di tích

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Chúng ta cần hết sức thận trọng. Bảo tồn di tích nghĩa là chữa bệnh cho di tích. Mà chữa bệnh phải biết có bệnh gì mới chữa, nếu lao vào làm cho đủ số lượng thì công trình nghìn năm tuổi sau khi bảo tồn lại còn có 1 tuổi" - đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh nêu.

Ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Ý tưởng phải cân đối với khả năng và nguồn lực

Phát biểu thảo luận tại tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 (Chương trình), được Chính phủ xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2035 trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia theo khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Quochoi.vn

Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;...

Chỉ ra Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan trình cần nghiên cứu kỹ lưỡng một số nguyên tắc, trong đó: phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ của chi ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung nhiệm vụ chi. Phân định rõ kinh phí đầu tư, nguồn chi đối với các nội dung cần tập trung đầu tư cho Chương trình để đảm bảo thực hiện theo lộ trình từng năm.

Ngoài ra, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phải được xây dựng là có trọng tâm, trọng điểm; không dàn trải; ý tưởng nhiều nhưng cần phải cân đối với khả năng và nguồn lực. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, cần phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan theo hướng tin gọn và có đầu mối; tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 3
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 3

Chủ tịch Quốc hội cũng quan tâm tới vấn đề thiết chế văn hóa và đề nghị, Chương trình cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về hệ thống thiết chế văn hóa, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đang được xây dựng và đảm bảo tính khả thi. Đối với khu vực xã, phường, thị trấn quan tâm xây dựng nhà văn hóa, phát huy được hiệu quả nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa trên thực tế. Đồng thời, cần phải có cơ chế về tổ chức bộ máy, con người để bảo đảm cho các thiết chế văn hóa đạt hiệu quả. Phải tổ chức bộ máy, con người, tập huấn cho cán bộ... để lan toả được những giá trị văn hoá tốt đẹp.

Nên chọn các dự án trọng điểm để đầu tư

Thảo luận về Chương trình, đa số ý kiến tại tổ 3 tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng Chương trình không nên đầu tư dàn trải mà tập trung trọng tâm vào 3 nội dung: di tích, di sản; thiết chế văn hóa; công nghiệp văn hóa. Nên chọn các dự án trọng điểm đầu tư vào 3 nội dung này nhằm tạo bước đột phá về phát triển văn hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại thảo luận tổ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại thảo luận tổ

Đại biểu Quốc hội Hoàng Duy Chinh (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, Chương trình cần thiết kế gọn lại, không dàn trải. Tập trung vào một số nội dung chương trình có trọng tâm, trọng điểm - nhất là các di tích lịch sử chưa được đầu tư, tôn tạo như các di tích ATK. Đồng thời cần tập trung ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa, trong đó có các di tịch lịch sử nhằm giáo dục cách mạng truyền thống với thế hệ trẻ.

Góp ý về nguồn lực Chương trình, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) đề nghị, ngân sách hỗ trợ 95% nguồn lực Chương trình đối với các địa phương không tự cân đối được ngân sách; địa phương hỗ trợ 5% thì sẽ phù hợp hơn trong Chương trình này.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn)
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn)

Thảo luận tại tổ 1, Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội) cũng quan tâm tới cơ cấu tổng nguồn vốn chủ yếu của Chương trình trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Đại biểu cho biết, nhiều địa phương rất băn khoăn khi phần phải đóng góp nguồn vốn là 24,6%, còn 15% là nguồn khác từ xã hội hóa. Với các địa cần nhiều vốn lại là địa phương khó khăn để cân đối được số vốn này.

Đối với thiết kế các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, đại biểu Trần Việt Anh cho biết, số lượng công việc rất lớn, không dễ để thực hiện được. Đại biểu dẫn chứng về chỉ tiêu tu bổ, tôn tạo di tích, mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 95% di tích Quốc gia đặc biệt và 70% di tích Quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Nếu quy ra số lượng cụ thể thì 95% di tích Quốc gia đặc biệt tương đương 123 di tích sẽ được bảo tồn, tôn tạo. Với Hà Nội thì phải tu bổ được 21/22 di tích Quốc gia đặc biệt được bảo tồn, tôn tạo.

Cùng với đó, con số 70% di tích Quốc gia được tu bổ, tôn tạo tương đương khoảng 2.800 di tích Quốc gia bảo tồn, tôn tạo trong 5 năm. Riêng với Hà Nội sẽ có khoảng 837 di tích được bảo tồn trong nhiệm kỳ này.

Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu Trần Việt Anh bày tỏ cho rằng số di tích Quốc gia được bảo tồn, tôn tạo trong thời gian 5 năm là con số rất lớn và khó thực hiện vì qua nhiều công đoạn từ khâu lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, hội thảo, khảo cổ học chứ chưa nói đến nguồn vốn. Đại biểu băn khoăn, nếu làm để lấy số lượng nhằm đạt mục tiêu thì có thể làm giảm tuổi thọ của di tích.

"Chúng ta cần hết sức thận trọng. Bảo tồn di tích nghĩa là chữa bệnh cho di tích. Mà chữa bệnh phải biết có bệnh gì mới chữa, nếu lao vào làm cho đủ số lượng thì công trình nghìn năm tuổi sau khi bảo tồn lại còn có 1 tuổi" - đại biểu nêu ý kiến.

Đồng thời, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại khi theo quy định đấu thầu hiện nay loại bỏ hết các điều kiện, không cần kinh nghiệm quá sâu nên có thể các đơn vị không có am hiểu, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di tích cũng trúng thầu, khi thực hiện sẽ làm giảm tuổi thọ di tích.