Trưng bày hơn 100 tờ báo quốc ngữ nổi bật 1865- 1965

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7-6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi trưng bày “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865- 1965”.

 Buổi trưng bày do Trung tâm Văn hóa Heritage Space- Dolphin Plaza và diễn đàn sách xưa tổ chức.

 Bên cạnh những tờ báo nổi tiếng như Gia Định báo, Nam Phong, Thanh Nghị, Phong Hóa, tại triển lãm, người xem còn được tiếp cận với những tờ báo đầu tiên có nội dung chuyên sâu về kinh tế, đầu tư như: Nông cổ Mín đàm, Sài Gòn Kinh tế tuần báo.
Trưng bày hơn 100 tờ báo quốc ngữ nổi bật 1865- 1965 - Ảnh 1
Đồng thời, công chúng cũng được thưởng lãm những tờ báo đầu tiên nói về phụ nữ như: Phụ nữ tân văn, Bình Đẳng nhật báo. Báo dành cho thiếu nhi như: Nhi đồng tạp chí, Nhi đồng họa báo… Những tờ báo cổ trên đều được trích từ bộ sưu tập của ba thành viên diễn đàn sách xưa: Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường và Nguyễn Phát Hà Giang.

Hành nghề luật sư nhưng với tình yêu với sách báo, anh Nguyễn Phát Hà Giang chia sẻ: “Sưu tập báo cổ được 20 năm, hiện nay tôi có trong bộ sưu tập của mình hơn 100 đầu báo, với hàng ngàn số báo như: Phụ nữ tân văn, Gia Định báo, Đông Pháp thời báo. Trong đó số báo cổ nhất là một tờ báo lịch có từ năm 1872, tôi tình cờ có được nó trong một lần xem tủ sách của một người bạn”.

Anh Giang cho biết, so với ngày nay, báo chí cổ có 2 đặc điểm khác biệt là văn phong và cách in ấn. “Nhiều người mới đọc báo chí cổ sẽ nghĩ rằng ngôn ngữ được sử dụng hầu hết là sai chính tả nhưng thực chất đó là đặc trưng của ngôn ngữ báo chí xưa. Điều này là do ngôn ngữ cổ không có một số chữ như “r, s, x, gi” hoặc khi ngắt câu báo chí cổ thường dùng dấu gạch ngang”. 

Đối với công nghệ in ấn, báo chí cổ cũng sử dụng nhiều loại giấy khác nhau như giấy gió của báo thời Pháp và sau này là giấy rơm. “Đối với những nhà sưu tập, chúng tôi chỉ cần nhìn chất liệu giấy là biết tờ báo đó được xuất bản vào năm nào”- anh Giang chia sẻ.

Để lưu giữ những trang báo gần 150 năm, theo các nhà sưu tập, họ đã phải rất kỳ công trong quá trình bảo quản, lưu giữ. “Thời tiết nồm ẩm ở nước ta là kẻ thù của những nhà sưu tập báo chí cổ, chúng làm cho những tờ báo bị mối mọt, mốc và bay mất mực in. Để đối phó với điều này, chúng tôi đã phải sử dụng đến máy hút ẩm, hạt tiêu sọ để chống côn trùng (dán, mối)”- anh Giang cho biết.