Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc có động thái bất ngờ để "cứu" nền kinh tế

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc  (PBOC) vừa có động thái bất ngờ khi giảm lãi suất chủ chốt lần thứ hai trong năm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi lĩnh vực sản xuất và ngành bán lẻ suy yếu trong tháng 7.

Reuters đưa tin, PBOC hôm 15/8 thông báo họ đang hạ lãi suất đối với khoản vay trung hạn trị giá 400 tỷ nhân dân tệ (59,33 tỷ USD) cho các tổ chức tài chính xuống 10 điểm cơ bản, từ mức 2,85% xuống 2,75%. Đây được cho là nỗ lực phục hồi nhu cầu tín dụng của nước này nhằm xốc lại nền kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất máy lạnh tại nhà máy Midea ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất máy lạnh tại nhà máy Midea ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15/8, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 7 chỉ tăng 3,8% so với một năm trước đó, thấp hơn mức 3,9% trong tháng 6 và mức dự báo  4,6% của các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò của Reuters.

Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ cũng suy yếu khi chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7%, thấp hơn mức 3,1% trong tháng trước đó và kém xa mức dự báo 5,0% của giới phân tích. Trong khi đó, chỉ số đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn con số 6,2% mà các nhà kinh tế đã dự đoán.

Fu Linghui - người phát ngôn của NBS, cho rằng số liệu bán lẻ và lĩnh vực sản suất suy yếu trong tháng 7 là do chịu tác động từ các đợt bùng phát Covid-19 mới, các đợt nắng nóng tại miền Nam Trung Quốc, trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao.

Trước động thái này, các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích cho rằng chính quyền Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bằng cách nới lỏng chính sách, trái ngược với các nền kinh tế khác đang mạnh tay tăng lãi suất.

Phát biểu với hãng tin Reuters, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ Xing Zhaopeng nói rằng ông rất ngạc nhiên về đợt cắt giảm lãi suất mới nhất của Trung Quốc. "Đó là một phản ứng đối với dữ liệu tín dụng suy yếu tuần trước. Chính phủ Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng về tăng trưởng và không để điều đó xảy ra," ông Xing Zhaopeng cho hay.

Dữ liệu tín dụng tuần trước cho thấy các khoản cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm mạnh hơn so với dự báo. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng nói chung cũng chậm lại do dịch Covid bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cảnh giác với việc vay nợ thêm, do lo ngại về tình hình việc làm và khủng hoảng bất động sản sẽ trầm trọng hơn.

PBOC cho rằng động thái của họ là "giữ cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào ở mức hợp lý". Và với các khoản vay trung hạn trị giá 600 tỷ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong tuần này, thì việc chỉ phát hành khoản vay trị giá 400 tỷ nhân dân tệ cho thấy cùng với việc cắt giảm lãi suất, PBOC đang đồng thời rút khỏi hệ thống 200 tỷ nhân dân tệ.

Chiến lược gia về tỷ giá tại ngân hàng OCBC Frances Cheung nhận định rằng việc cắt giảm 10 điểm cơ bản này được coi là tiền đề trước khi dư địa chính sách trở nên hẹp hơn trong tương lai khi PBOC cảm nhận được áp lực lạm phát cơ cấu.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu chính phủ không có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc khó có thể lặp lại kỳ tích tăng trưởng ấn tượng của năm 2020 trong bối cảnh đang phải đối phó với nhiều thách thức như dịch Covid-19, khủng hoảng bất động sản, lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 7 cũng ghi nhận mức cao nhất trong 2 năm do giá thịt lợn tăng mạnh.

Nie Wen, chuyên gia kinh tế của công ty Hwabao Trust có trụ sở tại Thượng Hải, đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý III xuống mức từ 4-4,5%, sau khi Bắc Kinh ghi nhận số liệu kinh tế kém quả quan. "Hiện tại, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 5-5,5% trong nửa cuối năm đang ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc".

Trước đó, tại cuộc họp hồi cuối tháng 7, giới chức Trung Quốc cảnh báo rằng nước này có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022.