Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy công nghệ nội địa cũng như hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ bên ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.
Theo Đài Truyền hình nhà nước CCTV, những công ty này, còn được gọi là "những gã khổng lồ nhỏ", tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái thương mại. Tính đến năm 2022, Trung Quốc đã có 8.997 doanh nghiệp nhỏ thuộc nhóm này, gần đạt mục tiêu 10.000 doanh nghiệp vào năm 2025, theo kế hoạch 5 năm thứ 14 giai đoạn 2021-2025.
Đóng góp vào ngành công nghiệp chiến lược
Những “gã khổng lồ nhỏ” này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc như chất bán dẫn, năng lượng, vật liệu sản xuất tiên tiến và pin điện.
Theo CCTV, để được xem là “gã khổng lồ nhỏ”, các công ty cần phải đạt được mức tăng trưởng doanh thu kép hàng năm tối thiểu 5% và đầu tư trung bình 7% tổng doanh thu vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Gần 90% trong số các công ty này thuộc lĩnh vực sản xuất, và hơn 80% hoạt động trong các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi như chất bán dẫn và hàng không vũ trụ. Những số liệu này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng hệ thống sinh thái công nghiệp có tính cạnh tranh cao, khắc phục những hạn chế về xuất khẩu linh kiện công nghệ từ phía Mỹ.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc luôn dồn trọng tâm chính sách vào các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của những công ty này trong đổi mới công nghệ.
Vào tháng 6, Bộ Tài chính thông báo chính quyền trung ương sẽ phân bổ thêm ngân sách cho hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ trong năm nay. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cũng đưa ra các tài liệu hướng dẫn, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho những công ty đáp ứng tiêu chuẩn. Những chính sách này giúp các doanh nghiệp nhỏ có đủ nguồn lực để bắt đầu nghiên cứu và phát triển, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trong ngành.
Những động thái hỗ trợ này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Theo Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, nhà xuất khẩu chất bán dẫn và linh kiện từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 52% vào năm ngoái so với mức đỉnh điểm vào năm 2021. Điều này buộc quốc gia tỷ dân phải đảm bảo khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit, cho biết: “Trung Quốc đang gia tăng thị phần trong các ngành công nghiệp ô tô, đồ gia dụng và máy móc. Điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là những nhà cung cấp linh kiện quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa Bắc Kinh đang ngày càng đổi mới hơn.”