Trung Quốc khẳng định vị thế với sáng kiến về trí tuệ nhân tạo

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng kiến Quản trị Trí tuệ Nhân tạo (AI) Toàn cầu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kêu gọi quyền bình đẳng trong phát triển công nghệ.

Hôm 18/10, Trung Quốc đã đề xuất một khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy sự phát triển về AI với tên gọi Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu tại diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai, Con đường lần thứ ba diễn ra tại Bắc Kinh.

Động thái này được cho là nhằm kêu gọi quyền bình đẳng về phát triển công nghệ tiến tiến trong bối cảnh Mỹ ngày càng áp thêm nhiều lệnh cấm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip.

AI đang là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo SCMP
AI đang là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo SCMP

AI hiện là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc hai bên luôn tìm cách khẳng định vị trí dẫn đầu cũng như tầm ảnh hưởng trên thị trường thế giới.

Tại diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai, Con đường lần thứ ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường trao đổi, hợp tác với các quốc gia khác nhằm phát triển lĩnh vực AI lành mạnh, trật tự và an toàn.

Được đề xuất bởi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu nhấn mạnh sự phát triển của AI có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế, xã hội toàn cầu, mở ra những cơ hội to lớn nhưng cũng đem đến không ít rủi ro, thách thức.

“Quản trị AI là nhiệm vụ chung mà mọi quốc gia trên thế giới phải đối mặt, góp phần định hình tương lai của các quốc gia” – Chính phủ Trung Quốc đề cập trong sáng kiến.

Sáng kiến này kêu gọi các nước cần phải tôn trọng lẫn nhau trong phát triển AI, đồng thời đề xuất rằng các quốc gia cần phải có quyền bình đẳng dù có sự khác biệt về chế độ chính trị, tiềm lực kinh tế, hệ thống xã hội.

Sáng kiến cũng đặc biệt phản đối việc thiết lập ranh giới hay thành lập các nhóm độc quyền nhằm cản trợ sự phát triển lành mạnh của AI, cũng như lên án việc tận dụng vị thế độc quyền hay các biện pháp cưỡng chế đơn phương tạo ra các rào cản hoặc làm gián đoạn chuỗi cung ứng AI.

Chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Washington thành lập các nhóm hoặc liên minh để ngăn cản hoặc kiềm chế sự phát triển lĩnh vực công nghệ của nước này.

Một số điều khoản tại sáng kiến này cho thấy sự phê phán quyết liệt của Trung Quốc đối với việc sử dụng công nghệ AI nhằm thao túng dư luận, truyền bá thông tin sai lệch hoặc can thiệp vào công việc nội bộ cũng như đe dọa đến an ninh quốc gia khác.

Trước những thách thức đối với hòa bình và sự phát triển chung toàn cầu, Bắc Kinh kêu gọi các nước cùng cam kết thực hiện tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và phát triển bên vững.

Bên cạnh đó, một điểm tiến bộ trong Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong phát triển AI, sử dụng nó như công cụ để giải quyết các vấn đề đang được quan tâm như biến đổi khí hậu.

Trung Quốc kêu gọi các nước cùng hợp tác ngăn chặn các nhóm khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ để thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại, đồng thời yêu cầu các quốc gia đặt đạo đức lên hàng đầu và xây dựng các nguyên tắc, hướng dẫn để quản lý AI.

Đối với các quốc gia phát triển, Chính phủ Trung Quốc đề cập trong sáng kiến rằng cộng đồng toàn cầu cần tạo điều kiệu hơn để họ có thể khẳng định tiếng nói và vị thế trong quản trị AI, đảm bảo quyền, cơ hội và quy tắc bình đẳng cho tất cả mọi người.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vai trò đầu tàu và tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia phát triển nhằm cạnh tranh với phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Quốc gia tỷ dân đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu với các sáng kiến quan trọng như: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu năm 2021, Sáng kiến An ninh Toàn cầu năm 2022 và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu năm 2023.

Vào ngày 18/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sáng kiến này là sự nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hướng tất cả quốc gia đến một tương lai thịnh vượng chung cho toàn nhân loại.