Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt “bừa bãi” từ phương Tây đối với những công ty nước này khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ 3.
Zhang Jun, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp quốc cho biết Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” “các lệnh trừng phạt bất hợp pháp” mà Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu áp đặt lên các công ty Trung Quốc, “lấy vấn đề Ukraine làm cái cớ”.
Ông Zhang cho biết tình hình mà châu Âu đang phải đối mặt ngày nay có liên quan chặt chẽ đến việc mở rộng về phía đông của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Ông khẳng định Trung Quốc muốn đóng vai trò mang tính xây dựng và đang nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị, đồng thời khuyến khích NATO "tự vấn lương tâm, thoát ra khỏi cái lồng của tâm lý Chiến tranh Lạnh" và kiềm chế việc gây rắc rối khi thúc giục đối đầu giữa các khối.
“Chúng tôi kêu gọi người đứng đầu NATO nhìn thế giới qua lăng kính khách quan, ngừng đe dọa và làm những việc thực sự có lợi cho hòa bình thế giới", ông Zhang nêu rõ.
“Trung Quốc không đóng vai trò gì trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine và bản thân Trung Quốc cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng. Chúng tôi đã không theo dõi ngọn lửa từ bên kia sông, càng không kiếm được tiền từ cuộc khủng hoảng.”
Gần đây, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra một số bình luận rằng Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Zhang cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt khi khẳng định tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng, một số quốc gia đã sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine làm cái cớ để áp đặt "một cách bừa bãi" các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn.
Theo ông, việc này đồng thời gây áp lực phi lý lên doanh nghiệp của các quốc gia khác, và tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của các quốc gia khác, cũng như chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, đồng thời phá vỡ trật tự thương mại thế giới.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc.”
Trong cuộc họp hôm 23/2, ông Zhang cũng lặp lại lời kêu gọi của Trung Quốc về một giải pháp chính trị, kêu gọi “các bên liên quan” ngừng cung cấp vũ khí và “đổ dầu vào lửa”.
Hôm 21/2 , Liên minh châu Âu đã đưa vào danh sách đen ba công ty Trung Quốc đại lục và một công ty Hồng Kông bị cáo buộc giúp Nga tiếp cận hàng hóa với mục đích quân sự và dân sự kép.
Ngày hôm sau, ba công ty Trung Quốc cũng bị Anh trừng phạt vì bị cáo buộc hỗ trợ xung đột và Mỹ hôm 23/2 đã trừng phạt 17 công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc rằng các công ty Trung Quốc đã cung cấp vũ khí và các thiết bị khác nhằm hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.
Một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 hôm 24/2 đưa ra bày tỏ lo ngại về việc chuyển giao cho Nga từ các doanh nghiệp ở Trung Quốc các vật liệu và linh kiện có công dụng kép cho vũ khí và sản xuất quân sự.
Bắc Kinh cũng bác bỏ cáo buộc rằng họ đang cân nhắc việc trang bị vũ khí cho Nga, đồng thời luôn nhấn mạnh sự trung lập và mong muốn đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc hòa giải cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để thuyết phục các nước phương Tây, vốn thúc giục Bắc Kinh gây thêm áp lực buộc Nga phải dừng chiến tranh.
Nga và Trung Quốc đã công bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” vài ngày trước khi Nga tấn công Ukraine hai năm trước và hai nước đã tăng cường liên kết chính trị và kinh tế kể từ đó.