Tạp chí Politico hôm 18/3 dẫn nguồn thạo tin khẳng định Trung Quốc sẽ tẩy chay các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trừ khi Moscow chịu ngồi vào bàn đàm phán.
Theo Politico, thông điệp này đã được truyền tải trong chuyến công du châu Âu của đặc phái viên Á-Âu Trung Quốc Lý Huy hồi đầu tháng này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức thông báo rằng đặc phái viên Lý Huy đã cam kết "ủng hộ việc triệu tập kịp thời một hội nghị hòa bình với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên."
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày tầm nhìn về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến của Nga chống Ukraine và bổ nhiệm một đại diện đặc biệt để giải quyết vấn đề này - cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Huy.
Trước đó có thông tin ông Lý Huy sẽ đến thăm Ukraine, Ba Lan, Đức, Pháp và Nga, bắt đầu từ ngày 2/3. Nhà ngoại giao Trung Quốc sau đó đã thăm Ukraine, cũng như Brussels và Ba Lan. Li Hui thảo luận về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, gọi đây là "cuộc khủng hoảng Ukraine". Trong bối cảnh chuyến công du của đặc phái viên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ tổ chức hội nghị hòa bình về Ukraine.
Trong chuyến đi tới Kiev ngày 7/3, ông Lý đã gặp gỡ Andrey Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Vấn đề Ukraine có khả năng sẽ nằm trên bàn nghị sự trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó sẽ tới Paris vào đầu tháng 5 và gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Politico cho biết.
Trong tháng 3, SCMP đưa tin, ông Lý đã khẳng định với các quan chức EU rằng một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiềm năng không thể biến thành “một hội nghị đưa ra những quyết định ép buộc dành cho Nga".
Trung Quốc đã từ chối việc lên án Nga liên quan tới xung đột đang diễn ra và nhấn mạnh rằng, xung đột chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp ngoại giao. Năm 2023, Bắc Kinh công bố lộ trình 12 điểm để đi đến thỏa thuận hòa bình, kêu gọi cả hai bên giảm căng thẳng. Kiev đã từ chối đề xuất của Trung Quốc.
Về phía Ukraine từng cho rằng, nền hòa bình hữu hình chỉ có thể được đàm phán theo các điều khoản Tổng thống Zelensky từng đưa ra, trong đó bao gồm việc rút lực lượng Nga khỏi lãnh thổ “bị chiếm đóng bất hợp pháp” của Ukraine.
Moscow đã bác bỏ yêu cầu này ngay từ đầu, nhấn mạnh rằng họ sẽ không từ bỏ Crimea và 4 khu vực cũ khác của Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2022.
Các cuộc đàm phán có ý nghĩa giữa Moscow và Kiev đã thất bại vào mùa Xuân năm 2022, khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết, các nhà đàm phán Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.
Trưởng đoàn đàm phán của Kiev David Arakhamia tiết lộ vào tháng 11/2023 rằng mục tiêu chính của đội ngũ là “câu giờ” cho quân đội Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Thụy Sĩ đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình lớn vào năm nay. Tuy nhiên, vẫn chưa có thời điểm cụ thể nào được ấn định cũng như danh sách những bên tham gia tiềm năng.