KTĐT - Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành đối thủ của Mỹ trong cuộc chạy đua đến danh hiệu nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Mặc dù Bắc Kinh đã tuyên bố trở thành "á quân" của kinh tế thế giới từ quý II năm 2010 nhưng phải đến khi Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 14/2 công bố các số liệu thống kê cho thấy GDP của nước này đã giảm trong quý IV/2010 thì vị trí này mới chính thức được xác nhận.
Theo thống kê, GDP năm 2010 của Nhật Bản tăng 3,9% và đạt trên 5,4 nghìn tỷ USD tuy nhiên vẫn kém tăng trưởng của Trung Quốc với GDP đạt 5,8 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, GDP quý IV/2010 của Nhật Bản giảm tới 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái do chương trình trợ giúp lĩnh vực sản xuất ôtô của Chính phủ kết thúc và đồng Yen tăng giá mạnh đã ảnh hưởng đến lợi thế xuất khẩu. Tiêu dùng tư nhân, chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế, đã giảm 0,7% cho thấy người dân tiếp tục kỳ vọng giá giảm hơn nữa mới quyết định "mở hầu bao" để chi tiêu.
Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như hiện nay, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong vòng một thập niên nữa.Mặc dù một số người Nhật có thể cảm thấy bị tổn thương khi để tuột mất vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc mang đến cho Nhật nhiều cơ hội trong lĩnh vực xuất khẩu, du lịch.
Tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua phần lớn nhờ vào các quỹ đầu tư mạnh tay rót vốn vào ngành công nghiệp sản xuất trong nước cũng như các cơ sở hạ tầng được mở rộng. Nhận thấy tiềm năng phát triển của một thị trường trên 1 tỷ dân, cùng với lợi thế của nhân công rẻ, nhiều tập đoàn nổi tiếng đã đầu tư vào Trung Quốc. Riêng đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc mỗi năm đã tăng gần 25%, mức tăng mà bất cứ nền kinh tế phát triển nào cũng phải mơ ước.
Ngược lại, Nhật Bản đã phải vật lộn với cả một "thập niên thua lỗ" hay "thập kỷ mất mát" khi bong bóng tài sản vỡ những năm 1990. Mặc dù nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã xoay chuyển được nền kinh tế, nhưng vẫn phải đối phó với tác động của tình trạng dân số bị già hóa trong lúc nhu cầu tiêu dùng thấp, nhất là tỷ lệ nợ công của Nhật Bản đang ở mức báo động có thể gây trở ngại cho Chính phủ khi đi vay để kích thích kinh tế.
Bất chấp việc Trung Quốc đang băng băng tiến lên, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện nhưng các chuyên gia đều cho rằng, việc so sánh quy mô kinh tế của Trung Quốc với Nhật Bản sẽ không đem lại một bức tranh đầy đủ, chính xác. Ông Tom Miller từ tổ chức tư vấn kinh tế GK Dragonomics nhấn mạnh: "GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc là khoảng 4.500 USD, nhưng ở Nhật Bản, con số này vào khoảng 40.000 USD/người". Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 100 triệu người Trung Quốc gần tương đương dân số Nhật sống dưới mức 2 USD/người/ngày. Trong khi đó, ông Robin Li, Giám đốc điều hành của công ty sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc cũng khẳng định: "Hiện vẫn đang tồn tại sự thật không thể chối bỏ rằng, Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra những doanh nghiệp với sức ảnh hưởng thật sự lên toàn thế giới như Toyota hay Sony để tương xứng với vị trí thứ 2 của nền kinh tế".