Trước thềm bỏ phiếu của LDP: Ứng viên Thủ tướng Nhật nào "được lòng" thị trường nhất?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã lên mức cao nhất kể từ năm 1990 sau khi quốc gia được xác nhận sẽ có tân Thủ tướng. Để thấy, các nhà đầu tư vô cùng kỳ vọng vào các chính sách mới có thể tạo ra sự thay đổi bước ngoặt cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Hình ảnh các ứng viên tiềm năng cho vị trí tân Thủ tướng Nhật Bản (từ trái qua): Taro Kono, Fumio Kishida, Sanae Takaichi và Seiko Noda. Ảnh: Nikkei Asia 
4 ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cần trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), sau khi trải qua một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các đảng viên và thành viên Quốc hội vào ngày mai (29/9).
Nếu không ai giành được đa số phiếu bầu, 2 ứng cử viên hàng đầu sau đó sẽ tiến vào một cuộc đua mà người chiến thắng sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trước tháng 11 tới.
Các ứng viên đã cùng đưa ra những cam kết tương tự nhau về một gói tài chính lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bên cạnh những mục tiêu về trung hòa carbon, tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số trong các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cũng như nới lỏng các hạn chế trong nước cùng tiến trình triển khai vaccine Covid-19.
Nhưng cũng đã có sự khác biệt nhất định giữa ưu tiên chính sách giữa các ứng viên, có thể dẫn đến phản ứng khác nhau của thị trường chứng khoán đối với chiến thắng của mỗi người. Do đó, giới phân tích đã theo dõi chặt chẽ các lời hứa chính sách của 4 ứng viên để đánh giá tác động.
Ứng viên Taro Kono: Thúc đẩy năng lượng tái
Ông Taro Kono, 58 tuổi, từng giữ chức Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, và hiện là Bộ trưởng Phụ trách Vaccine Covid-19 của Nhật Bản. Ông là "ngôi sao" trên truyền thông xã hội Nhật Bản, và được cho là người có thể tạo ra bước ngoặt với LDP. Theo một cuộc thăm dò ngày 18/9 của Kyodo News, ông Kono đang dẫn đầu cuộc đua với sự ủng hộ của 48,6% thành viên trong Đảng LDP.
Ông Kono chủ trương ủng hộ việc Nhật Bản chuyển đổi khỏi điện hạt nhân và cho rằng một gói kích thích mới nên ưu tiên chi tiêu cho năng lượng tái tạo. Ông cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ cho việc mở rộng mạng 5G trên toàn quốc.
Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Tomoichiro Kubota tại Matsui Securities cho biết, các nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách mua cổ phiếu của West Holdings - một công ty năng lượng mặt trời. Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 14% trong tháng này.
Các công ty tương tự như Renova - nhà điều hành nhà máy điện mặt trời và điện sinh khối - và Erex - nhà điều hành nhà máy điện sinh khối - cũng đã chứng kiến ​​cổ phiếu của họ tăng hơn 20% trong cùng kỳ.
Marcel Thieliant, nhà kinh tế cấp cao Nhật Bản tại Capital Economics, lưu ý, mục tiêu trung lập carbon vào năm 2050 vốn là chính sách của Nhật Bản được Thủ tướng Suga đưa ra. Do đó, "ông Kono sẽ phải nâng cấp (mục tiêu) lên, với chỉ tiêu thực tế", Thieliant nói với Nikkei.
Ứng viên Fumio Kishida: Đề cao số hóa và công bằng
Một ứng cử viên hàng đầu khác cho vị trí Thủ tướng Nhật là cựu giám đốc chính sách của LDP Fumio Kishida. Ông đã đề xuất một gói kích thích kinh tế trị giá "hàng chục nghìn tỷ yên".
Ông Kishida đã kêu gọi thành lập một quỹ đại học trị giá 10 nghìn tỷ yên (90 tỷ USD) để mở rộng đầu tư vào khoa học và công nghệ. Đồng thời, Kishida thúc đẩy cái mà ông gọi là "thành phố vườn kỹ thuật số" để hồi sinh các lĩnh vực trong khu vực này, thông qua các khoản đầu tư công nghệ cao từ lái xe tự động đến thông minh nông nghiệp, qua đó giúp ích cho các công ty hoạt động trong các lĩnh vực này.
Một trọng tâm khác trong chính sách của ông Kishida là giảm chênh lệch thu nhập, nhằm hỗ trợ những người dân dễ bị tổn thương về kinh tế và ngăn các tập đoàn lớn "bắt nạt" các DN nhỏ hơn.
Theo Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản, tháng 3 năm nay đã ghi nhận kỷ lục 8.107 công ty bị ban hành xử phạt hành chính do vi phạm Đạo luật Hợp đồng phụ, nhằm bảo vệ các nhà thầu phụ khỏi các hành vi thương mại không công bằng như chậm thanh toán.
Junichi Makino, nhà kinh tế trưởng của SMBC Nikko Securities nhận định, "các công ty lớn với nhiều nhà thầu phụ sẽ phải dè chừng" thể theo chính sách của Fumio Kishida.
Ứng viên Sanae Takaichi: "Sanaenomics"
Sanae Takaichi được cho là người theo đường lối bảo thủ cứng rắn, dường như đang đứng ở vị trí thứ 3 và vẫn nỗ lực bứt tốc trong cuộc đua. Cựu Bộ trưởng Nội vụ cũng từng nhận được sự ủng hộ từ Shinzo Abe - Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản (năm 2012 - 2020).
Một cuộc khảo sát của Nomura Securities trong tháng này cho thấy, thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể sẽ tăng nhiều nhất nếu bà Takaichi thắng, vì lập trường của bà về chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp nhất với nguyện vọng của giới đầu tư.
Chính sách này bao gồm nới lỏng tiền tệ, chi tiêu tài khóa linh hoạt và theo đuổi tăng trưởng, được xem là một phiên bản của "Abenomics" nổi tiếng nhưng đã được Takaichi chỉnh sửa lại và nhắc đến như "Sanaenomics".
Nikkei dẫn lời Hiroshi Matsumoto, người đứng đầu bộ phận đầu tư Nhật Bản tại Pictet Asset Management, đánh giá, Takaichi là một "chiến binh hoang dã", khi bà thúc giục Ngân hàng Trung ương Nhật Bản xem xét việc làm cũng như lạm phát.
"Nếu bà Sanae quyết tâm và thể hiện được khả năng lãnh đạo mạnh mẽ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ kép (tác động đến ngân hàng trung ương), nó thực sự có thể tác động đến thị trường chứng khoán", ông Matsumoto nói.
Ông Matsumoto lưu ý thêm rằng, Sanae Takaichi cũng đã nói về nhu cầu cần thúc đẩy sản xuất thuốc điều trị và vaccine trong nước của Nhật Bản, vì vậy "dược phẩm có thể là một lĩnh vực hoạt động tốt" nếu bà thắng cuộc.
Ứng viên Seiko Noda: Ưu tiên trẻ em và dân số
Từng là Bộ trưởng Nội vụ và là Tổng thư ký quyền điều hành của LDP, Seiko Noda là người cuối cùng tham gia cuộc đua lãnh đạo. Giống như Sanae Takaichi, Noda cũng đang mang quyết tâm lịch sử, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.
Masahiro Ichikawa - Giám đốc chiến lược thị trường tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management - cho biết, nổi bật nhất trong số các chính sách của bà Noda là sự ưu tiên tập trung vào các biện pháp liên quan đến hỗ trợ trẻ em và giải quyết tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản.
Trên kinh nghiệm của bản thân khi phải vật lộn với việc điều trị hiếm muộn cũng như nuôi dạy con trai bị khuyết tật, bà Noda đã vạch ra kế hoạch thành lập một cơ quan dành riêng cho trẻ em.
Tuy nhiên, Kubota của Matsui Securities lưu ý rằng, "các ứng cử viên khác như ông Kono cũng đã cho thấy các chính sách tương tự liên quan đến trẻ em, trong đó Karadanote - một công ty cung cấp nhiều ứng dụng liên quan đến bà mẹ trẻ em - có thể hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này.