Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại buổi làm việc |
Ông Phan Đình Trạc nêu rõ, qua việc xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế cho thấy tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát còn thấp. Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát thời gian qua có giám sát của cơ quan dân cử, nhưng mức độ đáp ứng yêu cầu thì chưa đạt. Qua kiểm tra thực tiễn ở địa phương cho thấy khâu thi hành án là khâu cuối còn quan trọng là quá trình điều tra, truy tố xét xử.
Theo dõi tình hình tham nhũng thời gian qua, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, do đó quy định của pháp luật cũng quy định riêng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực có nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu không nắm vững, không dám làm mạnh thì không thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, nếu không nắm vững mà cứ làm mạnh thì rất dễ dẫn đến sai phạm.
Ông Phan Đình Trạc đề nghị cần phối hợp đi sâu, từ thực tiễn những vụ án trong thời gian qua, từ vấp váp thiếu sót, thậm chí sai phạm của cán bộ công chức ngân hàng để rút ra vấn đề thực tiễn, có chính sách vĩ mô như: các văn bản pháp luật, liên quan đến lĩnh vực hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, phải chứng minh được hoạt động ngân hàng là đúng, dám bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp, bảo vệ cái đúng của cán bộ công chức ngân hàng.
“Điều quan trọng nhất là qua đợt kiểm tra này để cán bộ công chức nhân viên ngân hàng thấy được thực trạng, đề xuất với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ. Trước hết là nếu có vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thì làm sao thu hồi được cao nhất, kịp thời nhất tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Thứ hai, để làm cho tất cả mọi người, trước hết là cơ quan tố tụng hiểu sâu về lĩnh vực đặc thù của ngân hàng tín dụng để có cái nhìn biện chứng, không hình sự hóa. Nhưng cũng có đặc thù riêng, trong thực tiễn chúng ta có, có những ngân hàng nhìn vào sai phạm đủ để chúng ta khởi tố, bắt giam được nhưng lùi lại để cho họ tự khắc phục thì trong vòng 2 năm trở lại bình thường", ông Phan Đình Trạc đề nghị.
Qua một số vụ án liên quan, ngành Ngân hàng đã tích cực chủ động rà soát để tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra giám sát, tăng cường năng lực quản trị, chuẩn mực và chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Điển hình là thời gian qua, Ngân hành Nhà nước đã tham mưu để xây dựng nội dung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Đồng thời, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp với các Bộ, Ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội… để ban hành các văn bản như Quy chế, Thông tư để góp phần thực hiện công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án liên quan.