Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Phùng Minh Sơn trao chứng nhận cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Linh Chi |
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP Phùng Minh Sơn nhận định: Qua mỗi năm, sức lan tỏa của phong trào thi đua NTVT tại Hà Nội ngày càng rộng lớn, tạo nên những dấu ấn không nhỏ trong mọi mặt đời sống xã hội.Hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn Thưa ông, phong trào thi đua NTVT của Hà Nội được khởi nguồn từ đâu, đã đạt kết quả nổi bật thế nào?- Năm 1992, về chúc Tết và làm việc với Đảng bộ TP Hà Nội, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (khi đó là Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng) đã nhắc lại chỉ đạo của Bác Hồ về phong trào thi đua NTVT và đề nghị Thủ đô đi đầu. Sự kiện đó được TP lấy làm “mốc” ra đời phong trào thi đua NTVT và Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên phát động và luôn đi đầu trong thực hiện phong trào này.Qua 25 năm, phong trào thi đua NTVT thực sự là cuộc vận động lớn, với sự vào cuộc nhiệt tình của mọi tầng lớp Nhân dân, cùng hướng đến những việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp, để phát hiện, cùng làm việc tốt và nhân rộng. Đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp hay trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới…; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm; hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn, chăn nuôi quy mô lớn, góp phần đáng kể tăng thu nhập tại nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Mỗi năm có hàng vạn NTVT cấp cơ sở, hàng nghìn NTVT cấp TP, trong đó chủ yếu là người lao động trực tiếp, đã tạo sức lan tỏa ngày càng rộng lớn của phong trào thi đua NTVT, góp phần tích cực xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, điểm đến hấp dẫn.So với các địa phương, phong trào này tại Hà Nội có gì khác biệt, thưa ông?- Nhiều tỉnh, TP cũng tổ chức phong trào, song tại Hà Nội có những đặc thù riêng, nhất là từ năm 2015, TP ban hành Chương trình hành động 228 về đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Trong đó, để có giải pháp riêng về phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết gương ĐHTT, TP đã phát động Cuộc thi “Phát hiện và viết về gương ĐHTT, NTVT”, sau đó thể chế hóa thành quy chế thường niên, thể hiện bằng Quyết định 36 về việc viết về gương ĐHTT, NTVT. Mục tiêu của quyết định là hướng toàn bộ người dân cùng chính quyền các cấp tham gia thi đua khen thưởng, phát hiện người tốt quanh mình, để đề xuất khen thưởng, nhằm làm cho phần tích cực của xã hội được quan tâm hơn, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, mang lại niềm tin, tinh thần lạc quan cho mọi người.Cần khẳng định, cuộc thi chính là nét đặc sắc của Hà Nội trong phong trào thi đua NTVT, qua 3 năm tổ chức đã đạt kết quả rõ nét: Tính lan tỏa, đối tượng tham gia ngày càng rộng và hướng đến người lao động trực tiếp nhiều hơn, nên số bài viết và số người trực tiếp được khen cũng nhiều hơn. Riêng năm thứ ba, đã hơn 200 trường hợp được khen thưởng trải đều trong năm, chứ không chỉ dịp 10/10 như trước. Trong đó, có nhiều gương người dân có thành tích được TP khen thưởng kịp thời và chỉ đạo trao tặng, tuyên truyền ngay tại nơi họ sinh sống; đặc biệt năm nay, có cả người nước ngoài hưởng ứng phong trào, được TP khen thưởng, như: Công dân người Mỹ dọn rác, xóa quảng cáo rao vặt; công dân Pháp cống hiến cho phát triển công nghệ cao ngành y… Quan trọng hơn, thông qua cuộc thi, như Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nói: “Để mỗi sáng vào xem báo, mạng xã hội, thấy điều tích cực được phát hiện, chia sẻ nhiều hơn những tin giật gân, tiêu cực…, tránh làm người dân nhụt chí bởi thấy quá nhiều cái xấu, trong khi, cái xấu - tốt vẫn tồn tại đan xen”.Cải cách lớn trong xét tặng Cùng với kết quả to lớn đạt được, ông có cho rằng vẫn còn những hạn chế mà phong trào NTVT của TP cần khắc phục?- Ngay từ nhận thức, một số đơn vị, lãnh đạo còn nhầm lẫn giữa bình xét NTVT với bình xét thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Song cần hiểu rằng, mỗi cơ quan, CBCC đều được đánh giá theo Luật CCVC, Luật Thi đua khen thưởng; còn danh hiệu “NTVT” phải dành cho những hành động diễn ra ngoài thực hiện nhiệm vụ được giao, hướng ra cộng đồng không vì lợi ích bản thân.Hơn nữa, khi phát hiện rồi, thì cách thẩm định, tuyên truyền và khen thưởng còn rất thụ động. Có nơi đợi gom đủ bao nhiêu NTVT mới trình cấp trên, hoặc cứ phát hiện được NTVT thì lại đề nghị lên trên mà không khen thưởng ngay tại đơn vị. Trong khi, việc khen thưởng theo thẩm quyền, sát cơ sở bao giờ cũng xác thực, kịp thời hơn. Ngoài ra, nhiều CBCC chưa thực sự làm gương, mà mới là người bình xét cho mọi người. Thực tế, có những cương vị mà cá nhân tại đó có thể làm được việc tốt ngoài chức trách nhiệm vụ, như TP vừa khen thưởng những CBCC bộ phận “một cửa” rất cần mẫn, sau 8 tiếng hành chính còn làm ngoài giờ, đến tận nhà giải quyết thủ tục cho người dân...Từ việc nhìn nhận đúng kết quả và hạn chế, theo ông, TP cần có giải pháp gì để phát triển phong trào thi đua NTVT đến tận cơ sở hơn nữa?- Bên cạnh nâng cao chất lượng cuộc thi, coi là giải pháp đột phá giúp phong trào có tính lan tỏa, năm nay, TP có đổi mới rõ nét trong chỉ đạo, thực hiện phong trào. “Bước ngoặt” lớn là ngay trong tháng 10/2017 sẽ ban hành quy chế mới về xét tặng gương NTVT (sửa Quyết định 21 trước đây), với nội hàm rõ ràng và rút ngắn quy trình, thủ tục xét khen NTVT, trong đó nêu rõ: Việc tốt là việc do cá nhân thực hiện xuất phát từ cái tâm, ngoài chức năng nhiệm vụ và không vì lợi ích bản thân; hướng tới hành động dũng cảm, việc nghĩa, tương thân tương ái trong xã hội. Triển khai quy chế mới là một cải cách lớn, bởi sẽ không gây trùng lắp giữa NTVT với việc bình xét thành tích về thực hiện chức năng nhiệm vụ. Các quy định có văn bản hướng dẫn, đi liền với tuyên truyền để mọi người dân biết, để tổ chức thực hiện. Trong đó, có yêu cầu thành lập tổ công tác phát hiện ĐHTT, NTVT ở các đơn vị để có thông tin kịp thời và đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, tham gia phát hiện, khen thưởng và trình các cấp khen thưởng kịp thời gương ĐHTT, NTVT.Xin cảm ơn ông!
Năm 2017, phong trào NTVT tiếp tục được TP phát động với nhiều đổi mới, trong đó tổ chức hiệu quả cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT, nhờ đó có hàng trăm gương ĐHTT, NTVT. 9 tháng qua, toàn TP có 11.250 ĐHTT, NTVT được khen từ cấp cơ sở; Chủ tịch UBND TP khen thưởng, biểu dương 790 gương ĐHTT, NTVT. Các quận, huyện biểu dương người tốt - việc tốtNgày 6/10, quận Thanh Xuân tổng kết phong trào “Người tốt - việc tốt” năm 2017 và phát động phong trào “Người tốt - việc tốt” năm 2018. Cùng với 5 Người tốt - việc tốt được UBND TP tặng Bằng khen đột xuất, quận Thanh Xuân đã biểu dương 163 Người tốt - việc tốt cấp quận. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, quận tiếp tục phát động phong trào thi đua này nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tổng kết phong trào "Người tốt - việc tốt" và cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt năm 2017, huyện Thanh Trì đã tôn vinh 8 Người tốt - việc tốt cấp TP, 331 Người tốt - việc tốt cấp quận. Ban tổ chức cũng lựa chọn được 60 bài viết về gương điển hình tiên tiến, 6 gương điển hình đề nghị TP khen thưởng, trong đó có 2 trường hợp tiêu biểu đăng sách “Những bông hoa đẹp TP”. Tại hội nghị biểu dương “Người tốt - việc tốt” và tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến năm 2017 của Ban Dân tộc TP Hà Nội chiều 6/10, có 12 hộ vùng đồng bào dân tộc được TP tặng Bằng khen, 69 hộ được Ban Dân tộc TP tặng giấy khen. Ban Dân tộc TP cũng đã biểu dương 7 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt - việc tốt” năm 2017, trao 6 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến. Trọng Tùng – Anh Quý – Tuấn Kiệt |