Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường hợp tái dương với SARS-CoV-2 không đáng lo ngại

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 trong số 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sáng nay là trường hợp tái dương tính SARS-CoV-2. Trước nhiều ý kiến lo ngại về sự lây bệnh cho nhiều người xung quanh, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho rằng, người dân có thể yên tâm vì những trường hợp này không có khả năng lây bệnh.

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 12 ca tái dương tính Covid-19 sau khi được công bố khỏi bệnh. Một số ít người được đưa về cách ly, theo dõi y tế tại nhà, phần lớn được chuyển hoặc giữ lại cơ sở y tế để theo dõi thêm theo quy định. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có 5 bệnh nhân tái dương tính (bệnh nhân 50, 74, 130, 137 và bệnh nhân 188).
 Những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sáng 5/5 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Theo GS Kính, những bệnh nhân tái dương tính khi quay trở lại bệnh viện không có bất kỳ một dấu hiệu lâm sàng nào, hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường. Do đó, các bác sĩ không phải dùng thuốc điều trị cho những bệnh nhân này, chỉ cách ly, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm và nuôi cấy virus.
Hiện Việt Nam là một trong số ít nước (đứng thứ 4) có thể nuôi cấy, phân lập được virus này ở Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE). Vì thế, tất cả trường hợp tái dương tính quay trở lại viện, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đều theo dõi, phối hợp NIHE nuôi cấy virus, đều cho kết quả âm tính.
Khẳng định tình trạng bệnh nhân Covid-19 dương tính trở lại là hiện tượng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng có, GS.TS Kính cho rằng, đây là 1 trong những thành phần đáp ứng miễn dịch, đáp ứng kháng thể của cá thể mỗi người, cần nghiên cứu thêm.
"Riêng về y tế công cộng, chúng ta không e ngại gì với ca bệnh tái dương tính" - GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định.
Thực tế, các nhà khoa học, quản lý ở Việt Nam đã nghiên cứu, theo dõi dịch tễ ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và cả Việt Nam, không hề có sự lây nhiễm giữa người tái dương tính cho người xung quanh dù có thể bệnh nhân đã về cộng đồng hoặc khu cách ly. Những người thân hay người xung quanh tiếp xúc gần với bệnh nhân tái dương tính được xét nghiệm đều âm tính hoàn toàn.

Trước đó, theo TS Phạm Quang Thái - Phó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, với các bệnh nhân tái dương tính, ngoài xét nghiệm PCR còn tiến hành thêm các thử nghiệm như kiểm tra bệnh nhân có kháng thể hay không, nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không... Đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục.
"Do đó, có thể yên tâm về nguy cơ lây nhiễm từ ca tái dương tính. Tuy nhiên những bệnh nhân sau hồi phục vẫn nên cách ly thêm tại bệnh viện để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học", TS Thái nói.