Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường nghề đi trước, đón đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đều gặp thách thức về giáo viên. Trao đổi về vấn đề này, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội, đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trường nghề.

Trường nghề đi trước, đón đầu - Ảnh 1Ông có thể nói rõ hơn về thách thức của trường nghề khi Việt Nam hội nhập sâu rộng?

- Trình độ ngoại ngữ của các giảng viên trong nước nói chung và trường tôi nói riêng chính là thách thức đầu tiên và cũng là khó khăn nhất. Tiếp đến là các kỹ năng làm việc và kỹ năng mềm. Để giải quyết trở ngại này, chúng tôi đưa các cán bộ quản lý và giảng viên đi học tiếng Anh nâng cao ở những nước có sử dụng ngôn ngữ này tốt như Singapore, Philippine. Chúng tôi còn mời các tình nguyện viên nước ngoài về hoạt động tại trường, nhằm giúp trau dồi khả năng sử dụng tiếng Anh của giảng viên. Một thách thức nữa là khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong công việc của giảng viên. Vì thế khi đầu tư thiết bị mới, nhà trường thường có giải pháp đào tạo trọn gói đi kèm để giảng viên có thể sử dụng được ngay.

Những giải pháp được nhà trường thực hiện bước đầu mang đến thành công. Đó là năm 2015, lần đầu tiên trường có sinh viên Singapore sang học nghề lắp đặt điện bằng tiếng Anh chuyên ngành. Chúng tôi được giảng viên trường CĐ ITE - Singapore đánh giá rất cao và sinh viên của nước này nhận xét tiếp thu được bài giảng do giáo viên trường tôi thực hiện. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2020 cố gắng phấn đấu có khoảng 20 – 30% giảng viên sử dụng được giáo trình nước ngoài và dạy nghề bằng tiếng Anh chuyên ngành. 

Theo ông, cùng với sự cố gắng của các trường, Nhà nước nên có chính sách gì để hỗ trợ giáo viên?

- Hiện nay, giáo viên các trường từ tiểu học đến đại học (ĐH) do Bộ GD&ĐT quản lý đều được tham gia chương trình đào tạo nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh, nhưng mảng giáo dục nghề nghiệp lại không có. Tôi nghĩ việc đầu tư cho giáo viên cần được mang tính đồng bộ. Tiếp đến nên có cơ chế chính sách về tiền lương, phụ cấp để khích lệ và giữ được nguồn giáo viên có chất lượng.     Nhưng, tôi lại nghĩ đến thách thức khác, đó là khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nguồn nhân lực sử dụng tiếng Anh tốt, khả năng dạy lý thuyết và kỹ năng nghề nhuần nhuyễn, nghiên cứu và viết được giáo trình, vậy chúng ta có cơ chế gì để giữ họ? Nếu như các trường không có tiền lương tăng thêm, môi trường làm việc không khuyến khích và không tạo cơ hội phát triển thì DN sẽ “câu” họ ra ngoài.

Mô hình trường tự chủ hoàn toàn có là giải pháp để giải bài toán giữ chân giáo viên?

- Tự chủ hoàn toàn là phù hợp nhưng tại thời điểm này Việt Nam đang hội nhập còn nhiều khó khăn và nên chúng ta phải thí điểm. Thứ nhất các cơ sở dạy nghề không phải trường nào tuyển sinh cũng tốt. Thứ hai, chi phí đào tạo ra nguồn nhân lực lao động có kỹ thuật rất cao, học phí và các khoản thu của trường không đủ trang trải. Khi thu không đủ chi, nếu tự chủ thì lấy nguồn nào để đầu tư, tái đầu tư, thu hút người tài về làm việc? Tôi nghĩ, nếu tự chủ thì phải có cơ chế kèm theo để các trường sống và phát triển được.

Giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo nghề. Vậy các trường nghề nên tuyển giáo viên tốt nghiệp từ trường nghề thay vì ĐH?

- Hiện nay chúng tôi tuyển giáo viên theo 3 nguồn. Thứ nhất là những người tốt nghiệp ĐH loại giỏi và xuất sắc. Họ có khả năng tư duy về hàn lâm rất tốt nhưng kỹ năng lại thiên về các bài tập thí nghiệm. Thứ hai là những người tốt nghiệp trường sư phạm kỹ thuật được đào tạo cả kỹ năng sư phạm, kiến thức lý thuyết hàn lâm và kỹ năng nghề. Nhưng vì đào tạo trong thời gian ngắn, không thể ai cũng có trình độ cao ngay được. Thứ ba là những người tốt nghiệp CĐ nghề, đạt giải các kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, Asean và thế giới, có kỹ năng nghề nhưng lại phải được trang bị kiến thức hàn lâm để làm giảng viên. Từng mô hình đều có tính ưu việt cũng như hạn chế. Do đó khi các trường tuyển dụng cần phân tích rõ đối tượng cần tuyển và có cách đào tạo bồi dưỡng để có nguồn nhân lực phù hợp và tốt nhất.

Xin cảm ơn ông!