Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Hoa trải xuống thềm

Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi là bông hoa hồng ngoài vườn. Một bông hoa vừa được chị chủ hái vào cắm trong chiếc bình đặt lên bàn cùng các anh chị em nhà hoa hồng.

Chúng tôi cứ nhu mì đậm đà tỏa hương. Nhờ được di chuyển từ trong môi trường thiên nhiên, có nắng nôi ngoài sân vườn vào trong nhà, tôi có cảm giác ấm cúng hơn. Tôi thấy mình “được chọn”.
Chiếc bình gốm cắm hoa được đặt lên chiếc tủ, bên cạnh là chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ, xinh xắn. Tôi ngước lên bàn thờ, những bông hoa huệ trang nghiêm tỏa hương. Tôi cười với hoa huệ. Hoa huệ cười lại. Lòng thấy ấm áp quá.
 Minh họa: Mỹ Văn
Nhưng niềm vui chẳng tày gang. Đến tối chị em tôi đã phải day dứt nghe chuyện cãi nhau loảng xoảng của anh chị chủ nhà. Anh Thắng say liểng xiểng rồi về nhà vò xé bức tranh chữ thập chị Nhẫn đang thêu. Lúc thấy anh Thắng lảo đảo đi về, chị Nhẫn chỉ bảo: “Nhà còn thiếu tiền đóng học cho con. Anh đừng đi uống như vậy nữa”. Thắng bực bội, muốn trút giận lên chị. Chị cũng sôi máu, chẳng nhường, thành ra to tiếng. Anh Thắng rút chiếc nhẫn đính hôn ném lên mặt tủ, cạnh chiếc bình hoa chúng tôi, nên tôi thấy rõ khuôn mặt bần thần của chiếc nhẫn. Phải. Chiếc nhẫn đã được chúc phúc trong ngày lễ cưới tại thánh đường, giờ nó bị trút bỏ, nhìn thảm thương làm sao!
Hỏi ra, nhẫn nói rằng, cách đây ít lâu anh chị đã cãi nhau rồi. Cãi nhau vì Thắng bị lừa tiền, bởi anh tốt với người khác, cả tin, nghe bạn nói cần tiền chữa trọng bệnh cho vợ nên anh đã rút tiền tiết kiệm đưa bạn. Bạn trút hết vào cờ bạc. Lúc vợ chồng Thắng cần thì…
Trước đây, cũng vì cứu giúp một ông lão bị ngã ngoài đường, anh bị vạ lây. Ông già gặp tai nạn, Thắng đưa ông lão vào viện, chi ít tiền thuốc thang. Khi anh định về thì ông lão tri hô, rằng chính anh là người đã đâm vào mình, bắt buộc Thắng phải gửi lại giấy tờ tùy thân, rồi mấy ngày sau quay lại thanh toán viện phí. Hôm đưa ông lão ra bến xe về quê, anh Thắng có hỏi: “Cháu đã rất tốt, giúp ông, vậy sao ông nói là cháu đâm?”. Ông lão chùng xuống: “Chú thông cảm, tôi biết lòng tốt của chú vì thấy chú rất phúc hậu. Nhưng đúng là trong lúc túng quẫn, con cái bỏ rơi, tôi không làm vậy thì ở thành phố này không biết bấu víu vào ai”.
Là người thánh thiện, Thắng đã vơi bực dọc và bỏ qua chuyện bị vu vạ. Người ta vì bất đắc dĩ mà làm vậy… Nhưng vì thế Thắng bị bè bạn trách, vợ trách. Rồi anh vấp luôn vào chuyện đưa tiền cho ông bạn nghiện cờ bạc… anh bị vợ quở là tốt như… người ngoài hành tinh! Từ đó tới nay hai anh chị thường trục trặc.
Sáng hôm sau, Nhẫn nhìn thấy chiếc nhẫn bị bỏ lại trên mặt tủ. Chị ngậm ngùi nhìn hoa và nhẫn. Tôi cố rướn mình tỏa hương. Hình như chị chủ hít đầy lồng ngực. Nhưng khuôn mặt chị vẫn nặng nề. Chị nhấc chiếc nhẫn lên, nhìn đi nhìn lại rồi đặt lại chỗ cũ, thở một hơi thở hắt, thật dài. Rồi chị nhìn tôi. Chị nói: “Hoa thì đẹp mà cuộc sống thì dở”. Tôi nghe chị thì thầm: Giờ tôi phải làm sao?
Hình như Nhẫn ân hận vì đã nặng lời với chồng. Đúng thôi. Dù sao anh ấy vẫn là người tốt. Mình nặng lời với anh ấy quá chăng khi anh ấy quá tốt rồi mang vạ vào thân? Cuộc sống mưu sinh đã áp lực, lương thấp, công ty tinh giản biên chế, Nhẫn đang lo lắng không biết lúc nào mình bị sa thải. Lúc ấy thì cần phải có “một món” để chạy tìm việc khác.
Tôi là hoa, chỉ biết việc của mình là thơm, tận hiến. Ở thành phố này, nhiều đôi vợ chồng trẻ cứ oằn mình mưu sinh, bao lo lắng đè lên đôi vai. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn của các gia đình nhiều nhất là kinh tế, hoặc là họ mệt quá không còn hiểu nhau. Họ buông xuôi. Họ cứ đẩy nhau ra xa bởi những cáu bẳn, thói ích kỷ trồi lên vượt khỏi sự nhường nhịn của đôi bên. Vợ chồng anh chị chủ tôi cũng vậy. Họ đang bị cuộc sống dắt đi.
***
Nhẫn đã nhủ là mình sẽ nhường nhịn anh hơn, thế rồi chị quên.
Đó là khi anh Thắng bảo:
- Em về vay bà ngoại ít tiền đóng học cho cu Lớn, kẻo cô giáo lại gửi thư về.
Chị Nhẫn không nói, lầm lũi dắt xe đến công ty. Đến tối chị về không. Giờ cơm. Anh chồng hỏi: “Em về bà ngoại vay tiền chưa, mai anh đóng học cho con?”. Chị đứng phắt dậy: “Sao anh không sang nhà nội mà vay?”. “Ơ hay, anh đã dặn rồi, ông bà nội đang ốm, cần tiền”. “Vậy sao còn khuân tiền đi cho bạn?!”. Mặt mũi Thắng tối xầm. Anh định vung tay tát chị. Chị Nhẫn thách thức. Vậy là anh tát thật. Lần đầu tiên anh tát vợ. Chị òa khóc, khi anh bực bội bỏ đi, chị vẫn ri ri khóc. Những bông hoa hồng im lặng. Chiếc nhẫn không thể cất tiếng.
Chúng tôi đau đớn nhìn cảnh tượng. Rồi nhìn nhau. Họ đã từng hạnh phúc…
Chị tháo chiếc nhẫn khỏi tay, đặt vội lên mặt tủ.
Hai chiếc nhẫn nằm cạnh nhau. Chẳng biết cái nào buồn hơn cái nào.
Không khó để anh Thắng nhìn thấy cảnh hai chiếc nhẫn đính hôn đã bị vứt một chỗ. Lòng anh bừng nỗi ngậm ngùi. Hai chiếc nhẫn là tín vật thiêng liêng minh chứng của tình yêu, tượng trưng cho sự gắn kết với nhau trọn đời mà hai người đã trao cho nhau trước họ hàng và giáo dân. Giờ chúng chung số phận.
Tiếc thay khi Thắng làm lành, vợ anh lại phụng phịu không đồng ý. Cú tát của anh như giọt nước tràn ly, làm thấm dột mái ấm và ngấm vào trái tim chị nỗi uất hận. Chị không tha cho chồng. Anh dấn tới thì chị tránh xa. Điều đó càng đẩy hai vợ chồng lên cao tốc xa cách.
- Thôi em à, anh xin lỗi - Thắng nói - Anh nóng trước. Mình làm hòa nhé. Chúng mình còn tập trung lo kiếm sống nữa.
- Lo kiếm sống rồi anh được quyền đánh tôi ư? - Nhẫn bưng mặt khóc, gằn lên sự tủi thân - Anh chỉ biết đến bạn bè thôi, còn vợ con ra rìa.
Tôi và những bông hồng khác thở trong khó nhọc.
Phải làm sao cho để được vợ thông cảm, bỏ qua? Thắng tự nhủ. Anh còn tiến lại gần mấy bông hoa chúng tôi, nhìn cặp nhẫn trên mặt tủ. Vầng trán đăm chiêu suy tư. Anh nghĩ ra một cách…

***
Thắng nhờ bạn dùng số lạ nhắn tin vào máy mình, thật mùi mẫn, theo kiểu bồ bịch, cốt để vợ ghen. Đêm đến anh về khuya, còn xức nước hoa lên người nhằm gây chú ý từ Nhẫn. Thắng giả vờ ôm vợ. Chị vợ đẩy ra. Thắng vờ tỏ ra bực tức, trút giận lên vợ, rồi nói sẽ đi với cô này, cô kia. Điện thoại không cài mật khẩu, Thắng cố tình để Nhẫn nhìn thấy, đọc được.
Nhẫn tím tái mặt mày khi đọc được những dòng tin nhắn của một cô gái lạ trong điện thoại chồng. Chị gằn lên, nổi đóa, tru tréo. Nhà lại lộn xộn, ồn ào.
Khi bực bội chưa nguôi thì chính Nhẫn nhận được tin nhắn: “Chồng chị không phải là kẻ phản bội chị, bồ bịch đâu. Anh ấy muốn dằn mặt chị nên nhờ người tạo tin giả thôi. Anh ấy yêu chị và muốn chị nghĩ lại”. Nhẫn òa lên. Thì ra là vậy. Chị nhủ: Đúng thôi, anh ấy còn yêu mình, còn muốn thử thách. Mình sẽ tìm cách “chơi” lại.
Những bông hoa và cặp nhẫn không biết chị chủ định làm gì.
Chiều tối hôm sau anh Thắng về. Hơi muộn. Chị vợ đã nấu sẵn những món ăn chồng thích.
Chị làm ra vẻ mặt mũi nghiêm nghị, ấm ức, gọi chồng lại:
- Khôn hồn thì khai ra mau. Anh đi với con nào? Bồ bịch hử, tưởng qua mặt được con này sao?
Thắng bấm bụng, cô nàng đã mắc lừa. Anh không biết chị đã rõ chuyện.
- Nếu muốn ly hôn thì cứ làm đi. Đừng có dở trò mèo mả gà đồng.
Thắng thách thức:
- Tôi làm vậy đấy. Tôi đi lăng nhăng đấy. Cô giỏi thì cứ bước ra khỏi cái nhà này đi. Tôi sẽ lấy người khác.
- Được, tôi sẽ đi ngay bây giờ cho anh xem. Anh tự nuôi con một mình. - Nhẫn làm tới. Chị vào phòng gấp quần áo. Lúc này, Thắng mới lo sợ chuyện đùa thành thật. Chân tay anh xoắn lại, mềm nhũn. Anh hốt hoảng chặn chị lại:
- Thôi được rồi, anh xin, anh xin em. Đừng có vậy mà. Anh nhỡ mồm. Anh đùa thôi.
Nhẫn còn ra điều dằn dỗi, bực bội, xông vào gấp quần áo. Lát sau Thắng ôm chị thật chặt, nói lời xin lỗi, nước mắt tứa ra, giọng điệu thảm thương, chị mới kéo anh trở ra bàn ăn, bảo chồng ngồi xuống.
- Em biết anh định làm gì với em, nên em cũng cứ làm thế cho anh nhớ đời. Em biết anh còn yêu em. Em cũng thấy mình có lỗi vì cố chấp. Bây giờ em có mấy món này vợ chồng mình ăn.
Nhẫn mở nồi cá nấu chua ra, giới thiệu với chồng: Đây là món “Em xin lỗi”. Thắng cũng mở món còn lại được úp bởi chiếc đĩa, hỏi vợ: “Món gì đây em?”. Nhẫn cười: “Món không thể xa nhau đấy anh ạ. Vợ chồng mình cùng ăn nhé. Con nó sang ngoại rồi”.
Tôi và các chị hoa hồng bật cười. Chúng tôi lo quá, đến ngộp thở. Chuyện nóng nảy của họ xảy ra đúng tám ngày, giờ là lúc những cánh hoa hồng không thể đậu trên cuống hoa được nữa. Những bông hoa cười thêm, rồi từ từ rụng cánh. Anh Thắng lấy vài cánh hoa trải lên bàn, cho lãng mạn, như trải lên thềm xuân những hy vọng. Họ ăn uống vui vẻ. Chúng tôi hú vía. Nhưng chúng tôi mừng vì anh chị đã hiểu ra, ai cũng nhẹ nhõm. Chứ họ mà căng thẳng, thì làm sao có thể trở thành những bông hoa phúc trong cuộc đời?
Tôi mừng vì lúc này, dù đã rời khỏi đài hoa, nhưng những cánh hồng mỏng manh thơm ngát vẫn trải xuống thềm xuân, tiếp tục chứng kiến những nụ cười của đôi vợ chồng.q