Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Không có trong phiên tòa

Truyện của Mai Văn Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bố tôi vào ngành không sớm cũng chẳng muộn. Ông đi lên từ một thư ký. Trải qua nhiều năm phấn đấu, bố được bổ nhiệm làm thẩm phán.

Một chức vị nhiều cám dỗ, áp lực nhưng bố như con hạc, đã cố đập cánh theo cách của mình. Hàng ngày, bố tiếp xúc nhiều với người dân còn đậm chất quê mùa mộc mạc, không ít trong số đó từng là nông dân bỗng chốc được đền bù giá đất cao, lắm tiền bạc. Với ai, ông cũng lấy sự nhiệt tình ra đối đãi. Ông làm việc luôn có lý, có tình, đặt lợi ích người dân, và cái đúng cái tình lên đầu. Nhưng đâu phải lúc nào người thẳng ngay cũng được lòng kẻ khác. Bố có người tin yêu, cũng lắm người ghét. Họ ghét vì bố không chịu thỏa hiệp, liêm khiết đến cứng nhắc, ảnh hưởng quyền lợi họ.
Minh họa: Hiền Nhân
Minh họa: Hiền Nhân
Cách đây không lâu, ông giúp một đương sự thắng kiện. Ông tên Tiên. Nói cho rõ ràng thì ông Tiên sở hữu khối tài sản đất đai kếch xù đời trước để lại, nhưng có nguy cơ mất do sự không rõ ràng giữa người cho mượn và người đi mượn. Chuyện kéo dài từ đời cha ông Tiên. Cùng luật sư, với những bằng chứng thuyết phục, ông Tiên đã thắng. Họ dúi tiền vào tay, bố hất ra.

Anh lái xe về thuật lại với mẹ tôi mọi chuyện. Rằng người ta cảm ơn mà anh nhà không nhận. Mẹ tôi đùng đùng nổi đóa như bão cấp mười hai, bảo bố sĩ diện hão. “Chê của vậy thì ăn cám! Có ai phong danh hiệu cho đâu! Chỉ thiệt thòi vợ con”. Anh lái xe phụ họa: “Vâng, lúc vui em cũng bảo anh ấy là ai cảm ơn thì cứ nhận. Nhưng anh nhà gạt đi. Có lần khoản tiền lên cả trăm triệu đấy chị ạ. Người gì mà khó chuyển ý. Em chịu!”. Mẹ thở dài, gửi giấc mơ chập chờn về nơi những căn biệt thự có mấy bà bạn U50 của mẹ đang sống. Họ phởn phơ giàu. Họ sống sung sướng sang trọng bằng đồng tiền của chồng khuân về. Những đồng tiền lộc lá không sinh ra từ công sức mồ hôi xương máu. Tiền thì ai cũng cần, nhưng tôi không đồng ý với mẹ. Tôi ủng hộ bố và tin rằng, ông đang làm rất đúng.
***** 
Mẹ bỗng điệu đà hơn, váy bó sát và nước hoa thơm nức, thường xuyên về muộn, nhất là sau đận được đề bạt làm trưởng phòng kế toán của tập đoàn khăn giấy. Trước đây mẹ làm kế toán ở công ty lương thực. Chuyển công ty, mẹ tự mình nhờ vả. Ông Sinh giúp đỡ. Gần đây, sự xuất hiện của ông Sinh bụng phệ mắt híp làm tôi khó chịu. Ông có chòm râu phơ phất hãm tài bên mép trái thường đánh ô tô đón mẹ. Nghe đâu ông ta từng có nhiều bồ được chinh phục bằng chính những chuyến công tác được giấu bằng những cái tên nghe có vẻ quan trọng. Ông cưỡi xe đắt gấp chục lần chiếc xe của cơ quan vẫn đưa đón bố đi làm, ai cũng ao ước. Ông ta tự chiều chuộng mình quá mức. Thời gian mẹ dành cho gia đình cứ vơi đi. Lại còn hùn vốn với ông Sinh và một bà bạn khác buôn rượu và thuốc lá.

Càng ngày tôi càng thấy mẹ hấp thụ kiểu cách đua đòi. Cái Ngoan, tôi và cái An, em gái út của tôi đang học ngân hàng ở Sài Gòn đều không trọng bằng những buổi tiệc tùng. Có lần gặp tôi, ông Sinh hách dịch hỏi: “Cậu cả đây à, học năm cuối rồi nhỉ, ra trường để chú thưởng cho một chỗ làm ngon lành nhé”. Mẹ tôi đỡ lời: “Được thế thì còn gì bằng”. Tôi khó chịu nói “không dám”, rồi bỏ lên phòng trên.

Tôi chọn thời điểm tâm sự với bố. Bố ngồi xuống ghế, thở dài: “Những gì con nói bố đều hiểu. Con tưởng bố mẹ không nói chuyện đấy à. Bố mẹ đã không còn tìm được điểm chung”. Chưa bao giờ tôi thấy bố thở hắt bất lực đến thế. Trong mọi điều kiện khó khăn của công việc, bố đều tìm ra cách. Với mẹ tôi, liệu bố sẽ tìm được phương thuốc?

Bố bất động, như tấm bia đá. Và sau khi nhỏ những dòng nước mắt, ông nói: “Cuộc sống đâu chỉ dành riêng cho ta, nếu bị văng ra khỏi cuộc sống, ta sẽ rơi xuống đáy vĩnh viễn. Chắc bố phải cố gắng cải thiện tình hình”. Câu nói đó bố từng nói với cái An trước khi nó vào Sài Gòn trọ học. Chẳng biết nó còn nhớ hay đã quên. Trong điện thoại, lần nào cũng vâng dạ, nói học tốt. Tôi sực nhớ đến tính ương bướng của nó. Tôi thưa: “Để dịp cuối tuần này con vào thăm An”. Bố bảo: “Rủ mẹ đi cùng nhá”.

Bố cố gắng từng ngày, thu xếp để có bữa cơm gia đình, nhưng mẹ lại xóa đi những dấu vết mà bố muốn nó hằn lại trong tổ ấm. Cái Ngoan đã tiêu hết số tiền bố đầu tư cho mở shop bán quần áo bằng một cú phá sản. Nó lại được những đồng tiền của mẹ chiều chuộng, nên chẳng tỏ ra ân hận hay tiếc nuối. Bố hết nước hết cái nói với Ngoan: “Hãy chăm ở nhà hơn con ạ, chăm mẹ và anh. Con gái cần học nấu nướng, sau này còn phục vụ chồng. Còn nữa, con là con gái, lựa lời nói với mẹ giúp bố với, đừng để mẹ cuốn đi quá xa”.
*****
Cuối tuần sau tôi thuyết phục được mẹ cùng vào thăm em An. Cũng vào đúng ngày đó bố được nhận bằng khen vì những đóng góp cho ngành tòa án. Tôi chỉ kịp nhờ bưu điện chuẩn bị bó hoa.

Không thấy An ở phòng, nhờ bạn hàng xóm, tôi và mẹ đã tìm thấy nó đang đàn đúm trong quán bar, hút shisha sặc sụa khói. Nào, về thôi. An rúm ró như tội phạm, liến thoắng giải thích nhưng chỉ toàn nói lắp. Tối đó, ăn vội vàng bát cơm thì nó gãi cổ gãi tai nói chạy ra chỗ này có tí việc. Lát sau có người hốt hoảng kêu: “Cái An bị sốc thuốc”. Thì ra nó đã bỏ học, cả ngày làm nô lệ cho “ả phù dung”. Hơn một năm qua, An toàn nói dối. Mẹ ngặt nghẹo khóc. Dường như lúc này mẹ mới thấm nỗi đau khi sinh ra đứa con gái hư hỏng. Tạm thời mẹ nhờ người, sau khi ra viện sẽ giúp cai nghiện cho An. Nó nhìn mẹ, nhìn tôi ngượng ngùng. Hàng lệ ứa ra. Ba mẹ con òa khóc. An thổ lộ mình đã chẳng học được gì từ khi vào đây, ngoài trở thành kẻ thân tàn cùng với những món nợ được che đậy bằng những lý do đẹp đẽ. Trời đổ mưa xôn xao. Tạo hóa sẽ không ưu đãi những lỗi lầm của An, nhưng bố mẹ và gia đình phải trả giá cho những gì nó gây ra. Không biết bố có chịu được cú sốc này?

Mẹ dặn: “Đừng nói chuyện này với bố, với Ngoan”. Mối quan hệ của mẹ giờ đủ để giúp đứa con gái như An cai nghiện. An tìm đúng chỗ mẹ quen. Nhưng liệu rằng nó có dứt hẳn hay lại tái nghiện? Và mẹ có yên tâm để một mình nó ở đây? Tôi thưa với mẹ: “Hay là mình cứ nói với bố”. Mẹ can: “Đằng nào thì bố mày cũng biết, nhưng thôi từ từ đã, để dịp khác mẹ lựa lời nói. Giá mẹ biết quan tâm đến các con sớm hơn…”. Hai hàng nước mắt ân hận của mẹ cứ quện ở trên gò má. Tôi thấy mẹ già đi. Hôm trước ngày quay về thành phố quê nhà, mẹ dặn An: “Cải hóa cho tốt con nhá, đừng để thành kẻ bỏ đi”. Câu nói của mẹ chí lý. Tôi nhìn sâu, xoáy vào nó. Nó gật, rồi giấu mặt mình dưới tán cây.

Tin An đua đòi mắc nghiện còn nhanh hơn tia chớp. Tôi và mẹ về đến nhà thì nhìn thấy vẻ mặt u sầu của bố. Mẹ cố nói sang chuyện khác. Bố hỏi tình hình của An, mẹ nói: “Nó chăm học lắm, còn đi làm thêm nữa”. Bố nhìn sâu vào mắt mẹ, vằn lên những nỗi hỏi han. “Mình còn muốn giấu tôi nữa sao. Tôi biết cả rồi. Giờ tôi đang tính đến chuyện từ chức. Tôi không muốn người ta xì xào tôi như thế mà có con nghiện như thế”. Mẹ tôi không đứng vững nữa, hai chân chùng xuống, mềm nhũn: “Mình à, tất cả là tại em. Em đã…”. Cả hai đang nhận lỗi về mình. Mắt bố như có lửa, đỏ hơn: “Không, lỗi là ở tôi. Tôi mải mê công việc nên không chăm được bốn mẹ con, để bốn mẹ con khổ”. Bố nói như lời than: “Tôi làm gì thế này? Tôi giúp được người khác, vậy mà sao biến con cái thành ra thế này?”.

Thêm một tai họa giáng xuống. Số tiền mẹ dồn đầu tư buôn chung đã mất trắng. Mẹ tôi, ông Sinh và mấy bà nữa muốn nhanh giàu tham ăn xổi buôn hàng giả. Cán bộ thị trường bắt. Mẹ điêu đứng. Mẹ khóc trong ân hận. Chỉ bố là cố trầm tĩnh. Ông thấy cần phải là con người cứng rắn, để gánh vác cùng lúc ngần ấy việc của gia đình. Mẹ nói: “Em không dám làm chuyện đó nữa. Giờ em mất cả chì lẫn chài rồi”. Bố an ủi: “Em yên tâm, mình vẫn còn tôi và các con. Con An cũng đã tìm được lẽ sống, chẳng phải lo cho nó đâu. Chẳng điều gì là quá muộn với người biết hối cải”.

Nghe thế, mẹ tôi yên tâm.

Đêm phố thị mênh mang buồn. Mải mê nghĩ, tôi suýt bước hụt xuống rãnh nước. Anh lái xe của bố vừa đi đến nơi, nói muốn gặp tôi tâm sự. Anh kể rằng bố nghĩ quẩn, đang chức quyền đầy mình lại ý định xin từ chức. Tôi hỏi anh: “Vậy bố em có nghỉ được không?”. Anh lái xe nói: “Anh nghe lỏm được là cấp trên không cho bố em nghỉ đâu. Bố em nghỉ, tìm đâu ra người vững dạ liêm khiết thay thế!”.

Mẹ dần tìm lại được mình, sốt sắng hơn. Những tập thơ bỏ tiền túi in của ông Sinh lõa xõa rơi vào lửa. Mẹ đã hóa vàng một cuộc tình chớp nhoáng trong ân hận để dựa vào vai bố. Mẹ nói: “Em xin lỗi mình. Em sẽ chuộc lỗi…”.

Bố trở lại là một người can trường. Sau những phiên xử án, người ta vẫn đến cảm ơn bố, nhưng ông không nhận của ai. Duy nhất có một lần, bố cầm của chú Lưu Hải số tiền năm triệu đồng. Biết chuyện, mẹ hỏi bố: “Kìa mình, nhìn bề ngoài chú ấy khổ thế, chắc nghèo lắm. Mình lấy tiền của chú ấy làm gì”. Bố dõng dạc: “Thì tôi có lấy tiền của chú ấy đâu. Đây là tiền tôi cho chú ấy vay!”.

Bố mẹ nhìn nhau cười. Mẹ nói: “Vậy mà tôi cứ tưởng”.

Mọi chuyện tưởng chỉ giản đơn như thế, nhưng không. Tôi không thể ngờ là, bố đã có cách giáo dục An rất tốt. Bố và cái An đã nghĩ ra chuyện nghiện hút để làm mẹ tôi nghĩ lại. Và thật may, mẹ chịu thêm một vố hàng giả, thành ra tay trắng. Mẹ tôi không hề biết chuyện này. Tôi, bố và An mong điều đó mãi là một bí mật.