Những cuộc điện thoại thường mang lại điều gì tốt lành vào giờ này? Run rẩy, em bấm phím. Giọng mẹ òa lên nức nở. Nhà chỉ còn có hai người, như vậy mẹ vẫn bình an, như vậy… Kinh hoàng, em hỏi, cảm giác như không còn nhận ra giọng của mình. Có chuyện gì hả mẹ?
- Mẹ khổ quá con ơi, chắc là mẹ chết mất, mẹ chịu hết nổi rồi.
Câu trả lời không liên quan đến điều em hỏi, nhưng đủ để nắm được hết mọi thứ. Ít ra thì cả hai người đều bình an, cả ba và mẹ đều đủ sức khỏe để sống và cắn đắng nhau. Ít ra thì mẹ cũng biết gọi điện cho “đồng minh” là em; và em có thể hình dung ra mọi thứ. Ngôi nhà rộng, vắng lặng, giờ chắc vẫn đang sáng đèn giữa đêm miền quê mờ mịt tối. Gió khuya lồng lộng, miên man trên mái tôn đầy lá khô rụng. Hai người thân của em đang quên bẵng giờ này không phải là ngày, nên mẹ tiếp tục nghẹn ngào. Không nghe thấy tiếng ba, có lẽ ông đã kiệt sức với cơn say và trận náo loạn của mình.
- Mẹ cố lên, còn có tụi con nữa mà. Hãy nghĩ đến con cái để mà vượt qua, như bao lâu nay vẫn vượt qua, mẹ nhé…
Buông máy, em thở dốc như vừa qua một bài thể dục theo nhạc thật hối hả. Em không thể nằm luôn không trở dậy, như đã có lúc em thầm ước được nằm mãi trên tấm nệm giữa phòng tập. Những bài tập mướt mồ hôi em vẫn tự dỗ mình mỗi tối, rằng cố lên, sẽ khỏe hơn, có thể bình yên và tự tin mà sống. Dù thâm tâm em hiểu, những bình yên đó cũng chỉ là giả tạo. Nhưng chẳng phải em đã từng tự dỗ dành mình rất nhiều lần như vậy.
Em cũng chẳng hiểu tại sao mình có thể an ủi mẹ như vậy. Giống như những lời nói đó đã được lập trình sẵn trong đầu, rồi được tự động phát ra khi cần thiết. Hay bởi chính em vẫn thường tự lên tinh thần cho mình như vậy? Mẹ rồi sẽ bình tâm lại, dù rất khó khăn, nhưng rồi mẹ sẽ đi ngủ. Như biết bao đêm chẳng bình yên đã qua từ ngày mẹ về với ba. Vài giờ nữa trời sẽ sáng, một ngày nữa lại đến. Trước ánh mặt trời, liệu người ta có thấy mình can đảm hơn hay không?
Ngày thơ bé, em đã bao đêm nằm thao thức với nỗi mong chờ trời sáng, chờ một cái gì đó sáng sủa hơn đến với cuộc đời mình. Một cái gì đó không thể gọi tên, chính em cũng không rõ mình chờ đợi gì, chỉ biết lòng em mơ hồ khát khao một điều kỳ diệu nào đó đủ sức mạnh để xua tan nhanh bóng tối đang tràn ngập. Tuổi thơ em là một chuỗi những ngày - đêm - ngày - đêm như vậy. Những đêm đen lặng im khắc khoải, những đêm vô vọng sợ sệt một tiếng xe trở về, một trận cãi vã, một cơn đập phá loảng xoảng. Những đêm mà chẳng dám nghĩ về phía trước. Những đêm nay, mà biết còn có những đêm mai.
Những đêm em mơ thấy mình giữa bóng tối vây quanh. Dày đặc, không có tình yêu, hy vọng. Cũng không có gia đình, không một ai cả. Nơi đó, vây quanh em là địa ngục. Em choàng tỉnh trong những đêm hoảng sợ, cảm giác lạnh ngắt ngập tràn. Mơ hồ em biết mình chỉ muốn co người lại, co thật chặt, thật kín nỗi cô đơn. Và mắt nhắm như chưa bao giờ mình từng nhắm mắt trốn chạy một điều gì trong đời vậy.
Nhẹ nhàng, em nằm xuống bên con, mừng vì cuộc gọi giữa đêm không làm con bé giật mình òa khóc. Tự nhủ mình sẽ không nghĩ ngợi gì, sẽ coi như đó là chuyện hiển nhiên bình thường. Bao nhiêu là năm tháng, chắc phải xấp xỉ bằng tuổi em. Và có lẽ sẽ còn mãi, cho tới ngày ba, hoặc mẹ buông tay nằm xuống. Họ không đủ dũng cảm để giải thoát cho nhau, cũng không đủ cao thượng, bao dung để đừng dằn vặt nhau. Quen rồi. Quen đến độ đôi lúc em hài hước nghĩ, nếu thiếu cái không gian sống u uất triền miên đó, liệu hai người có thể tồn tại độc lập không?
Vậy mà em thấy mình quá mỏi mệt để có thể tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Em không muốn thấy mình đi loanh quanh trong những giấc mơ nhọc nhằn. Lại hẻm chợ, cái chợ vẫn ám vào trong những giấc mơ em. Hơn lúc nào hết, em rất sợ những thứ quen thuộc. Một người đàn ông vừa lạ, vừa quen nào đó; giống như người đàn ông em đã thiếu vắng từ thơ ấu, thiếu bàn tay thô ráp vỗ về, thiếu cả cái roi đúng nghĩa. Người đàn ông em đốt đuốc đi tìm mải miết suốt thời thiếu nữ, để rồi trăn trở yêu đương với thân phận đàn bà tẻ nhạt, đa cảm. Người đàn ông mang dáng dấp vững vàng, mạnh mẽ, dịu dàng và tinh tế. Có nhiều tính từ quá không, để em không bao giờ tìm được, đến độ phải tìm kiếm trong những giấc mơ?
Em biết mình đêm nay lại sẽ nằm mơ. Giữa bao nhiêu giấc mơ hỗn độn, em vẫn nhớ rõ cái chợ âm u, hun hút đó. Có những khoảng mịt mùng bóng tối, có những đoạn nhập nhằng, xao xác một thứ ánh sáng heo hút. Như ánh đèn trong đêm cô đơn vò võ. Em thấy mình đi ngang qua hẻm chợ, xấp xải. Có lúc lại loay hoay, bộn bề giữa quên và nhớ. Những món đồ mẹ dặn em mua, được gói gém vào ngăn cặp, sợ bạn bè nhìn thấy sẽ trêu cười. Những đứa bạn dân chợ giàu có và khinh người. Em bỗng nghĩ đến hai chữ sành điệu mà em thường dùng đùa với con: “Coi con gái mẹ sành điệu chưa, đeo mắt kính, khẩu trang nữa cơ đấy”. Nhà em xa chợ, đi học về thường ghé ngang mua đồ. Cái cặp nhỏ len đầy những hành, đậu hũ, cà chua. Cái cặp đã từng hơn một lần bị đám bạn học chung lục thấy, tung hê lên, ồn ã và náo nhiệt, trong tiếng khóc tức tưởi vì tủi buồn của em.
Trong những giấc mơ cũ kỹ nhàu nhò đó, đôi khi em thấy anh. Anh của ngày còn bên mẹ con em, cau có và vội vã. Anh của những cuộc cãi vã vô chừng, của những lần em sầm cửa thật mạnh trước mặt anh, rồi sau đó đứng lặng yên bên cửa sổ, ngó xuống cái hẻm nhỏ đầy những người đang ngồi uống cà phê, bưng tô hủ tiếu, tay cầm lá bài nhỏ xíu. Anh của tâm trạng bức bối, quẫn trí và vô vọng, của nếp sống chẳng tùy tiện, mà cũng chẳng nền nếp, của khao khát thành công xen lẫn với xem thường thất bại. Anh của những trận cãi vã liên quan đến tiền hết, nhà ngập, kiến bò đầy chạn, đến những sợi thuốc lá gãy tung tóe trên bàn học của con. Anh của giấc ngủ chập chờn vì con sốt, con quẫy đạp đòi sữa, vì cái giường chẳng chứa đủ ba người.
Thi thoảng, em cũng mơ thấy một người đàn ông. Không phải anh. Như một chàng trai trẻ dong dỏng cao, nhút nhát vụng dại từ cái nắm tay đầu tiên. Em ngỡ mình đã biết yêu từ rất sớm, mộng mị đơn phương, tự ru ngủ mình bởi những dịu dàng huyễn hoặc. Yêu khi tóc vẫn còn khen khét mùi nắng cháy, loe hoe đuôi tóc màu vàng. Em thấy mình cô độc quá, lẻ loi quá, lặng lẽ quá, nên yêu. Yêu mà cũng chẳng có nhiều ước mong gì, chỉ đơn giản nghĩ đến tất cả những thằng con trai mình biết xung quanh, lựa ra một thằng khá nhất theo cái tiêu chuẩn ngược lại. Ngược với những gì em vẫn thấy xung quanh mỗi ngày. Phải không nhậu nhẹt, đi đêm về hôm. Ừ, thì chắc thế, chàng còn rất trẻ kia mà. Phải không đánh vợ, đánh con. Phải không làm cho em kinh hoảng giật mình những đêm khuya trở về, nồng nặc mùi rượu, mùi thuốc lá, điên dại những cơn say. Phải biết nâng niu. Nâng niu là gì nhỉ? Em tự đặt ra các tiêu chuẩn, rồi cũng tự mình hoài nghi tất cả mọi điều đó. Thật sự, có thể tìm được người đàn ông như vậy hay không, ở nơi em đã sinh ra và lớn lên, quẩn quanh một cái hẻm chợ u buồn?
Rồi em mơ thấy vòng tay rắn rỏi đầy đam mê siết em những năm tháng một mình. Cái nhếch môi khinh bạc của người tình đã bỏ em mà đi, giữa những bộn bề đớn đau chông chênh nhất. Mặc cho em níu kéo, cầu xin. Như em đã từng thầm lén cầu xin suốt một thời thơ ấu rất ít nụ cười, suốt một thời thiếu nữ ngắn ngủi tủi phận, suốt những năm nhọc nhằn làm vợ, làm mẹ, làm dâu trong căn nhà đó vậy. Người đàn ông đã dạy em phải biết sống cho mình, đừng quá bận tâm đến ràng buộc, đến trách nhiệm, đến những giáo điều sáo rỗng, đến dư luận, đến chồng con làm gì. Trong tất cả những điều đó, em chẳng mảy may quan trọng, chẳng hề e sợ gì, ngoài một chữ “con”. Em cảm thấy mình bị tước bỏ. Em chẳng thể ghép chung “chồng” với “con” được. Em phải tách bạch ra, rõ ràng, rành mạch. Em phải lựa chọn, phải xấu xa toan tính thử, liệu người có thực tâm yêu em, hay chỉ yêu những năm tháng thanh xuân em dâng tặng cho người?
- Mẹ, mẹ ơi!
Tiếng con gái kêu lên nho nhỏ đánh thức em dậy. Giọng con mới ngon ngọt làm sao. Cái khuôn mặt bầu bầu giống em. Cái trán nhăn nhăn giống em. Cái miệng nhỏ xíu, xinh xinh, viền một đường mảnh tôi tối quanh môi, cũng giống hệt em. Mọi thứ đều giống em. Như chẳng hề có sự hiện diện của anh trên vóc dáng dễ thương của con. Như bạn bè thỉnh thoảng vẫn đùa với anh, nếu sinh một thằng con trai, ít ra nó cũng có cái giống mình! Con bé lăn một vòng, nằm gọn ngay trong lòng em, hơi ngước lên nhìn em, trông đợi hay tin tưởng. Có lẽ là cả hai. Em thấy lòng mình nhẹ lại, như chưa từng có cái giấc mơ kia, như chưa hề có cái cảm giác em vừa bước ra khỏi cái chợ u ám và tăm tối trong mơ kia vậy.
Em nhẹ nhàng chải từng lọn tóc mềm cho con, cột thành hai cái sừng nho nhỏ, đính thêm nơ. Con bé xinh đẹp, bụ bẫm đáng yêu làm sao. Em nghe lòng mình trào lên niềm yêu thương trìu mến dành cho con. Thứ tình cảm dịu dàng mà em đã chẳng từng được hưởng. Vì cơ cực. Vì những đứa em ra đời ngay phía sau, vội vàng. Vì chỉ có mình mẹ đầu tắt mặt tối chăm sóc. Cái miền quê nhỏ đó quen với hình ảnh những người phụ nữ ở nhà nội trợ, sinh con liền liền năm một. Tránh thai có lẽ là một khái niệm mơ hồ. Giờ em chỉ có mình con, vậy mà đôi lúc cũng cảm thấy mình quá mỏi mệt, quá bức bối, quá ràng buộc, quá mất tự do, thiếu hẳn niềm vui sống. Dù bây giờ em có máy giặt. Có một phụ nữ được thuê mỗi ngày ra vô dọn dẹp, ủi đồ, nấu cơm. Có siêu thị giao hàng về tận cửa. Có máy nước nóng lạnh, có đủ thứ tiện nghi mà ngày xưa, chắc mẹ chẳng thể nào hình dung ra được. Và quan trọng nhất, em có cuộc đời của em. Ơi mẹ ơi…
Rồi em sẽ phải thức dậy, đi khỏi cơn mơ mải miết đó. Em phải thức dậy thật thôi. Giờ vẫn cái giường hai mẹ con nằm, không hẳn là rộng, không hẳn là em chẳng còn mơ, nhưng những giấc mơ đó đã rõ nét hơn, đã biết vì sao mình mơ, vì sao mình trăn trở. Em mừng vì những đêm về sáng, mình vẫn còn có thể nằm mơ. Cơn mơ cũ, niềm đau cũ. Chỉ khác chăng là em đã có thể nhìn thẳng vào những giấc mơ. Nhìn, hiểu và chấp nhận, tất cả cuộc đời này cũng là một cơn mơ. Nhưng chắc chắn, tiếng gọi “mẹ ơi” đơn giản và bình yên của con, có lẽ với em mới chính là điều thật nhất. Không phải một cơn mơ.