Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Dự thảo Văn kiện được nghiên cứu, xây dựng công phu, khoa học, việc đánh giá kết quả thực hiện (Đại hội XVI) thông qua 14 ngành, lĩnh vực rất cụ thể, đã chỉ ra được kết quả, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. “Nhìn lại kết quả, tôi cho rằng, rút ra 5 bài học kinh nghiệm là tổng quát, khoa học. Song từ tồn tại, tôi cho rằng có thể bổ sung bài học từ huy động nguồn lực chất lượng cao để có giải pháp cho nhiệm kỳ tới”- TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý. Đồng thời, tâm đắc với những đổi mới trong xây dựng Văn kiện khi trong mục tiêu tổng quát, Dự thảo không chỉ xác định mục tiêu đến năm 2025 (nhiệm kỳ Đại hội) mà còn đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 và đến 2045. "Đây là nét đổi mới, là tầm nhìn dài hạn khẳng định vị thế của Hà Nội với cả nước, với khu vực"- TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Đối với kết quả về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là công tác luôn được Thành ủy, HĐND và UBND quan tâm thường xuyên, trong Dự thảo đã thể hiện rõ ở những đánh giá kết quả và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. “Hà Nội đã liên tục tạo lập được hệ thống quy hoạch đồng bộ có chất lượng, khẳng định thành tích, kết quả nổi bật của Hà Nội so với các tỉnh khác. Nhưng trong Dự thảo lại chỉ nêu “bước đầu đạt kết quả tích cực”, tôi cho rằng, cụm từ “bước đầu” chưa hợp lý. Cần khẳng định là “đã đạt kết quả tích cực””- TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý.
Đồng thời nhận định, với tiêu đề quy hoạch, trong Dự thảo đã nêu thành tích của quy hoạch xây dựng nói riêng rất kỹ, tuy nhiên, liên quan đến kết quả công tác quy hoạch nói chung, phải bao gồm cả quy hoạch kinh tế - xã hội, đất đai, văn hóa, quy hoạch ngành, lĩnh vực cụ thể, quy hoạch kỹ thuật và cả quy chế quản lý đặc thù (khu phố cổ, làng nghề …). Qua nêu được các kết quả sẽ là minh chứng tích cực cho sự quan tâm của Thành ủy, TP đối với lĩnh vực này. Đồng thời, nhấn mạnh về sự chỉ đạo đổi mới, bám sát yêu cầu hội nhập thông qua xây dựng các khu đô thị thông minh, chính quyền đô thị.
Tạo nền tảng phát triển đô thị đặc biệt
Về nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị trong nhiệm kỳ XVII, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ sự thống nhất với các nội dung nêu trong Dự thảo Văn kiện, từ các chỉ tiêu (tỷ lệ đô thị hóa 60 - 62%, quy hoạch phủ kín 100 %) và các chỉ tiêu khác. Đồng thời, xác định đổi mới nâng cao chất lượng quy hoạch là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2020 - 2025. Về nhiệm vụ cụ thể đã thể hiện đồng bộ, khoa học trong nhiệm vụ 2 của 14 nhiệm vụ.
Về xây dựng nông thôn mới, ngoài các chỉ tiêu nông thôn mới nói chung, nông thôn mới nâng cao, Hà Nội nên đẩy mạnh, bổ sung các chỉ tiêu đặc thù để tạo nên tảng phát triển bền vững và là đô thị đặc biệt (theo 5 tiêu chí đã được Quốc hội xác định).
Đối với phát triển mạnh khoa học công nghệ (nhiệm vụ 6 trong Dự thảo), theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, để tạo đột phá khoa học công nghệ, cần nhấn mạnh đổi mới, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao. “Thực tế, ở Hà Nội hiện có 70 trường ĐH, CĐ, nhiều học viện, trung tâm nghiên cứu và nhất là đội ngũ trí thức đầu ngành đang sinh hoạt trong các liên hiệp hội, hội cơ sở thuộc Hà Nội. Đây là vốn trí thức không tỉnh nào có, chiếm đa số (khoảng 60% của cả nước) nên cần có đột phá từ đổi mới, phát huy vốn quý này” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý.
Tôi đề nghị nhấn mạnh thêm, về mô hình cấu trúc Thủ đô, trong quy hoạch đã được phê duyệt năm 2011, xác định là mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn (năm 2030 đạt kết quả như T.Ư, Quốc hội đã thông qua và Chính phủ đã phê duyệt), song Dự thảo mới diễn đạt tập trung vào khu trung tâm và một số đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sóc Sơn…) là chưa thể hiện rõ mục tiêu đã đặt ra là có tầm nhìn đến năm 2030. Cùng đó, tôi đề nghị bổ sung quyết tâm từng bước xây dựng mô hình chùm đô thị, bước đầu là Hòa Lạc, Sóc Sơn và bổ sung một số thị trấn sinh thái. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm |