KTĐT - Tỷ lệ thất nghiệp 10%, người dân phải đóng thuế làm quỹ cứu trợ, kinh tế suy yếu, thâm hụt ngân sách lên tới 1400 tỷ USD và lợi nhuận ngân hàng tăng cao đều đã gây tổn thương tới trái tim của các cử tri bầu cử.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng vẫn không yên tâm về các cơ quan tài chính “quá lớn mà không thể sụp đổ”. Hôm qua (21/1), TT Obama đã đề nghị một biện pháp mới dành cho các giám sát viên, yêu cầu hạn chế quy mô các tổ chức tài chính lớn nhất và ngăn chặn các hành vi đầu cơ mạo hiểm của họ. Có thể nói một năm cầm quyền, bản thành tích của ông Obama chủ yếu tập trung vào một chữ “cứu”. Trong thời gian một năm điều đình với Phố Wall, TT Obama có thể nói là đã tung ra mọi biện pháp mềm có, rắn có. Ông đã từng sốt ruột trước việc nhiều ngân hàng lớn phá sản, đã từng phẫn nộ trước việc nhiều lãnh đạo ngân hàng nhận tiền lương thưởng quá cao. Trong nháy mắt, năm thứ hai cầm quyền đã đến, một năm mới của TT Obama đối với ngành ngân hàng Mỹ có thể dùng một từ để khái quát đó là từ “nghiêm”.
Đầu tháng 1/2010, việc TT Obama lấy danh nghĩa thu thuế để trưng thu “Phí trách nhiệm khủng hoảng tài chính” lên tới 120 tỷ USD đối với ngành ngân hàng vừa mới phục hồi đã cho thấy được mùi vị của sự “trừng phạt”. Mặc dù các bên đều dự đoán, việc này liên quan đến các khoản hoa hồng của quan chức ngân hàng, nhưng kỳ thực điều này lại là một sự khởi đầu cho việc TT Obama bắt đầu chỉnh đốn lại hệ thống tài chính; Hôm 20/1, mặc dù đã nhận được sự đe dọa từ đa số nghị sỹ tại Thượng viện, Nhà Trắng vẫn kiên quyết muốn thành lập một cơ quan độc lập nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Hành động này cho thấy, TT Obama không hề quên “vết sẹo” kinh tế mà khủng hoảng tài chính đã gây ra.
Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ FED, hiện đang là cố vấn kinh tế cho tổng thống Obama - ông Paul Volcker kiến nghị, TT Obama nên tiến hành phân giải các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, đồng thời chủ trương phân li các giao dịch đầu cơ. Ông Volcker còn cho biết: “Trong thâm tâm, tôi rất rõ hiện tại phải cứu ai và trong tương lai sẽ phải cứu ai, nhưng điều mà trong tâm tôi không muốn cứu nhất lại chính là các ngân hàng thương mại cỡ lớn này.
Goldman Sachs, Morgan Stanley, Citigroup, Bank of America, Wells Fargo và JP Morgan Chase đều sẽ trở thành “nạn nhân” của đề án trên. Nhà phân tích Frederic Dickson cho rằng: “Đối tượng giám sát này rất rõ ràng, rất nhiều tổ chức lớn lợi dụng sân chơi ưu thế của mình để kiếm lời, cho dù điều lệ của đề án có hà khắc thế nào, cũng sẽ khiến Phố Wall quan tâm cao độ”. Ông Volcker đã đánh giá cao chức trách giám sát của FED. Ngày 14/1, ông này cho biết, để đối phó với vấn đề “rủi ro đạo đức” mà các ngân hàng nhận viện trợ quá lớn mà không thể phá sản có thể mang đến, thiết lập một cơ quan tương tự do FED kiểm soát là rất cần thiết, FED “cần phải có năng lực để đánh giá những vấn đề còn tồn tại của các cơ quan kinh tế”.
Tỷ lệ thất nghiệp 10%, người dân phải đóng thuế làm quỹ cứu trợ, kinh tế suy yếu, thâm hụt ngân sách lên tới 1400 tỷ USD và lợi nhuận ngân hàng tăng cao đều đã gây tổn thương tới trái tim của các cử tri bầu cử. Nếu TT Obama không ổn định một cách triệt để hệ thống tài chính, thứ mất đi không chỉ dừng lại ở bang Massachusetts. Trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC, TT Obama cho biết: “Trong việc kiểm soát rủi ro và trừng phạt những công ty tài chính thiếu trách nhiệm, các biện pháp giám sát của chúng ta không đầy đủ. Dân chúng rất phẫn nộ, rất thất vọng, muốn truy tìm tận gốc nguyên nhân. Nhưng điều mà mọi người lưu tâm nhất vẫn là việc chính phủ đã cứu trợ các ngân hàng lớn”.