Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự chủ trong thời đại toàn cầu hóa

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - General Motors và Tesla đang tỏ ra chuyên nghiệp trong việc sản xuất máy thở cho người Mỹ, các hãng quần áo Tây Ban Nha dần chuyển sang sản xuất khẩu trang, trong khi nhiều thương hiệu nước hoa ở Paris nay chỉ đậm một mùi cồn của những lô chất khử trùng tay…

Có sự tán thưởng dành cho những biểu hiện tự thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng cũng không ít câu hỏi đặt ra trước làn sóng “chữa cháy” này của các quốc gia.
Khi đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu và số ca nhiễm đã vượt quá khả năng đối phó của các hệ thống y tế, có đến hơn 20 nước, bao gồm cả Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), đã quyết định hạn chế xuất khẩu đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay và kính bảo hộ.
Mặc dù EU vốn được coi là thị trường chung không rào cản thương mại, các nước như Pháp, Đức hay Cộng hòa Czech hồi đầu tháng 3 vẫn hạn chế xuất khẩu một số đồ trang thiết bị y tế nhất định, kể cả là sang các nước châu Âu khác.
 Một kỹ thuật viên đeo kính bảo hộ y tế được sản xuất theo công nghệ in 3D tại Trung tâm sản xuất tiên tiến của hãng ô tô Ford ở Michigan, Mỹ.
Nhu cầu cao đột ngột thậm chí khiến các đồng minh lâu năm rơi vào cảnh tương tàn để có được vật tư y tế. Liên tiếp những tuần qua là các lời cáo buộc từ giới chức Pháp, Đức, Brazil, về việc người Mỹ đã “trả gấp 3 hoặc 4 lần bằng tiền mặt” để giành mua các đơn đặt hàng khẩu trang của họ ngay trên đường băng.
Nói rằng nước Đức sẽ cần hàng tỷ chiếc khẩu trang để chống Covid -19, Thống đốc bang Bavaria, Markus Soder mới đây nhắc nhở quốc gia: “Chúng ta phải trở nên độc lập hơn với thị trường thế giới, vì sự an toàn của công dân. Đó là một trong những bài học từ những ngày qua”.
Rõ ràng, nhìn từ phương diện cá nhân mỗi quốc gia, những câu chuyện cấm cản, tranh giành bất chấp quan hệ thân thiết và quy tắc thương mại trong mùa dịch này đã đặt ra nghi ngại về việc các nước quá phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, để ngay cả những “ông lớn” cũng chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến bảo vệ tính mạng của người dân. Theo nhiều chuyên gia, sản phẩm y tế hay một số lĩnh vực nhạy cảm khác cần được xem là vấn đề an ninh quốc gia.
Đưa tất cả trở về nhà?
Vào cuối tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng đất nước ông cần lấy lại “sự độc lập” trong việc sản xuất các thiết bị y tế quan trọng, mà không phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Ông Macron hy vọng sẽ xây dựng lại “chủ quyền quốc gia” vào cuối năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn hơn khi đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để yêu cầu “ông lớn” ngành sản xuất ô tô như General Motors sản xuất máy thở, cũng như kêu gọi hãng sản xuất đồ bảo hộ y tế 3M chỉ tập trung vào nhu cầu trong nước. Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha đều đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tự sản xuất, nhưng đó không phải là điều có thể dễ dàng thay đổi chỉ trong một đêm.
Trong 4 thập kỷ qua, bản chất của thương mại đã thay đổi hoàn toàn. Trong nhiều thế kỷ, các quốc gia chủ yếu gửi hàng thành phẩm ra nước ngoài: Từ dầu ô liu từ Italia, rượu từ Tây Ban Nha, lông thú từ Canada; đến xe hơi từ Đức, máy may và máy in từ Mỹ. Còn hiện nay, các quốc gia chủ yếu gửi các bộ phận hoặc linh kiện ra nước ngoài để uốn, hàn, chèn hoặc khâu lại với nhau - gọi chung là gia công - trong các nhà máy và phân xưởng nước ngoài.
Việc phân chia sản xuất thành các bước riêng biệt trở nên khả thi nhờ những tiến bộ trong giao thông vận tải, công nghệ và truyền thông, cũng như độ mở cửa của thị trường thế giới. Chi phí vận chuyển giảm mạnh nhờ các container tiêu chuẩn tăng nhanh. Cáp quang, điện thoại di động, internet, điện toán đám mây, dịch vụ gọi băng thông rộng và hội nghị trực tuyến gần như miễn phí, cho phép mọi người cộng tác, chia sẻ các tập tin, tài liệu và ý tưởng, ngay cả khi họ ở rất xa về mặt địa lý.
Và dịch bệnh Covid-19 bùng phát, được tin rằng sẽ là cột mốc đánh dấu một sự thay đổi lớn, khi các công ty và mọi người lo sợ những rủi ro đã gặp phải với hình thái thương mại hiện nay.
Giáo sư Richard Portes, giảng dạy kinh tế tại London Business School, giải thích: “Một khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, mọi người bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế tại quốc nội, kể cả khi giá thành cao hơn… Họ trở nên gắn bó với những công ty này vì những rủi ro đã nhận thấy”. Đồng tình với nhận định này, Giáo sư Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, dự báo một làn sóng dần đưa công việc trở về nước của nhiều ngành sản xuất phương Tây.
Thực tế, đã có những dấu hiệu của xu hướng này trong quá trình chiến thương mại Mỹ - Trung, điển hình là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, động thái này bị đánh giá không chỉ làm tổn thương các mối quan hệ thương mại quốc tế, gây suy giảm quá trình toàn cầu hóa, mà còn mang lại nhiều vấn đề về lâu dài cho DN, đặc biệt là khả năng cạnh tranh, hơn là giá trị khắc phục trước mắt.
Tại Mỹ, đã có những đề xuất về đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, định hình lại chuỗi sản xuất công nghệ và sản phẩm tiên tiến, chẳng hạn như robot, bộ vi xử lý và xe điện. Tuy nhiên, ngay cả trong ngắn hạn và trung hạn, những cách tiếp cận này thậm chí còn gây ra nhiều rủi ro hơn cho sản xuất, bởi việc tái tạo lại chuỗi cung ứng đáng tin cậy không hề dễ dàng. Apple từng trải qua bài học đắt giá này khi cố gắng sản xuất MacBook Pro ở Texas vào năm 2013, để rồi toàn bộ liên doanh thất bại chỉ vì không thể tìm nổi một loại ốc vít sản xuất trong nước mà họ cần.
Toàn cầu hóa thay đổi?
Theo giới chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 dường như sẽ tác động để thay đổi các nền kinh tế được cho đã quá phụ thuộc vào toàn cầu hóa, nhưng không thải là một sự phủ định hoàn toàn. Ý tưởng rằng toàn cầu hóa chỉ là chuyển các chuỗi sản xuất hoặc cung ứng sang các nước châu Á rẻ hơn sẽ là quá đơn thuần. Toàn cầu hóa không chỉ là mang hàng hóa sản xuất đi khắp nơi trên toàn thế giới, mà là di chuyển con người, ý tưởng và thông tin.
David Henig - Giám đốc Dự án Chính sách Thương mại của Anh tại Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, dẫn ví dụ: “Ngành dịch vụ ở phương Tây đã tập trung đặc biệt vào du lịch và các trường đại học thu hút du học sinh, tạo nên một ngành lợi nhuận khổng lồ”.
Và mối quan tâm thực sự không phải là liệu những thay đổi đối với có xảy ra hay không, mà là chúng sẽ diễn ra đến mức nào và được các quốc gia quản lý như thế nào.
Theo một cách giải thích đơn giản của Giáo sư toàn cầu hóa và phát triển tại ĐH Oxford, Ian Goldin, sự thay đổi của kết nối thế giới sau Covid -19 liệu sẽ cho kết quả giống như những gì đã xảy ra sau Thế chiến I, hay sau Thế chiến II? Chẳng hạn, sau năm 1918, các tổ chức quốc tế trở nên suy yếu hơn, ngược lại là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và sự suy thoái kinh tế. Nhưng sau năm 1945, hợp tác và chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ hơn, với “Kế hoạch Marshall”, Liên Hợp quốc hay Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại…
Về vấn đề này, Giáo sư Goldin đặc biệt lưu ý đến yếu tố quốc gia, tổ chức đóng vai trò lãnh đạo. “Hiện chúng ta chắc chắn không thấy sự lãnh đạo từ Nhà Trắng, trong khi Trung Quốc khó đạt được sự tin tưởng để dẫn dắt, Vương quốc Anh cũng không còn cơ hội lãnh đạo ở châu Âu” - ông Goldin nói. Đây cũng là một lo lắng được chia sẻ bởi Giáo sư Richard Portes, khi ông chỉ ra rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London năm 2009 đã đồng ý gói hợp tác quốc tế trị giá 1 tỷ USD cho cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng hiện tại không có lãnh đạo nào đủ tầm nơi G20, và “Mỹ vắng mặt trên trường quốc tế”.
Nói rằng nước Đức sẽ cần hàng tỷ chiếc khẩu trang để chống Covid-19, Thống đốc bang Bavaria, Markus Soder mới đây nhắc nhở quốc gia: “Chúng ta phải trở nên độc lập hơn với thị trường thế giới, vì sự an toàn của công dân. Đó là một trong những bài học từ những ngày qua”.