Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự hào Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 10/12, TP Hà Nội và tỉnh Cà Mau tổ chức khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019”.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình.
Cùng dự buổi lễ, về phía TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khánh thành Cột cờ Hà Nội tại đất mũi Cà Mau.
Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại tỉnh Cà Mau có tổng diện tích khuôn viên khoảng 1,6ha và và đường trục chính dẫn vào Cột cờ dài khoảng 240m, rộng 14m với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng. Cột cờ mô phỏng Cột cờ Hà Nội có hình dạng đế khối vuông (45m x 45m) diện tích 2.025m², chiều cao tính từ cos 0.000 của công trình đến đỉnh lầu bát giác là 45m. Phần bên trong khối đế Cột cờ là không gian đa năng và phần thân Cột cờ bố trí thang bộ để khách tham quan lên lầu bát giác. Trên lầu bát giác có 8 cửa sổ làm đài quan sát.
Đối với “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019” sẽ diễn ra trong 6 ngày (10 – 15/12) với 9 hoạt động chính như: Công tác tuyên truyền thông tin; hội chợ thương mại và du lịch Cà Mau 2019; khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ; khai mạc Triển lãm trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội”; toạ đàm kết nối du lịch; hội thi sân khấu cải lương; liên hoan văn nghệ…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau” là cơ hội tốt để Cà Mau kết nối, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương trong nước và quốc tế. Qua đó giới thiệu, quảng bá một hình ảnh Cà Mau năng động, đầy thân thiện; một môi trường đầu tư thuận lợi và nhiều tiềm năng.
“Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch này, việc tổ chức khánh thành Cột cờ Mũi Cà Mau do Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng cho Cà Mau càng thêm ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, thể hiện tình cảm rất tốt đẹp của Hà Nội với Cà Mau nói riêng và của cả nước với Cà Mau nói chung”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Kỳ vọng “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019” sẽ khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của Cà Mau, Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Cà Mau trong quá trình phát triển cần lưu ý việc bảo tồn hệ sinh thái Vườn quốc gia đất Mũi, bởi đây là đặc trưng độc đáo cần lưu giữ, qua đó phát triển Cà Mau trở thành “điểm đến” an toàn, thân thiện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ Cà Mau phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từ đó, khơi dậy tiềm năng to lớn, tạo đà cho Cà Mau phát triển nhanh và bền vững.
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao tặng 3 tỷ đồng cho Quỹ an sinh xã hội tỉnh Cà Mau.
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, những năm qua, Hà Nội có nhiều chương trình hợp tác phát, hỗ trợ cùng các tỉnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Với tình cảm gắn bó giữa Thành phố Hà Nội với tỉnh Cà Mau - vùng đất địa đầu phía Nam của Tổ quốc, hai địa phương đã thống nhất Hà Nội xây dựng tặng Cà Mau công trình Cột cờ Hà Nội tại Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau. Đến nay, công trình đã hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Cột cờ Hà Nội là biểu tượng kiêu hãnh, niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử; tượng trưng cho ý chí tự cường, truyền thống văn hóa không chỉ của Thăng Long - Hà Nội mà của cả dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội là một kiến trúc tiêu biểu trong khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau được xây dựng mô phỏng như Cột cờ Hà Nội cổ xưa, có giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc và gắn với truyền thống, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình. Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi linh thiêng này vừa là biểu tượng văn hóa, vừa có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù xa về khoảng cách địa lý, nhưng với sự hiện diện của Cột Cờ Hà Nội trên Đất Mũi sẽ như “sợi chỉ đỏ” kết nối và tô thắm thêm tình đoàn kết gắn bó giữa Nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng với nhân dân cả nước nói chung, với Nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt.
Càng có ý nghĩa hơn, cùng với việc khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau hôm nay, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức lễ khánh thành công trình Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và tượng mẹ Âu Cơ tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, các công trình này sẽ tạo thành một tổng thể công trình có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa - lịch sử - truyền thống của dân tộc Việt Nam tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Điều này khẳng định chân lý như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; hay các thế hệ người Việt Nam đều biết câu nói của tiền nhân: “Tất cả chúng ta đều là cây một cội, là con một nhà…”.
Tại chương trình, Đoàn công tác TP Hà Nội đã trao tặng tỉnh Cà Mau 3 tỷ đồng để thực hiện chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Trước đó, chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã dự Lễ khánh thành Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và cắt băng khai mạc Triển lãm trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội”.