Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ hậu quả xả nước của các nhà máy thủy điện: Cần một cái nhìn dài hạn

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Những “quả bom nước”, khi hạn hán cần xả nước thì lại tích nước, lúc mưa lũ cần giữ nước lại đua nhau xả khiến lũ chồng lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, các dự án thủy điện đã và đang nhận được những đánh giá, cái nhìn thiếu thiện cảm.

Xem lại quy trình xả lũ
Không phải ngẫu nhiên mà cả lãnh đạo huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh đều vô cùng bức xúc trước động thái xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô (thuộc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn), bởi cả chính quyền cùng người dân địa phương đều bất ngờ. Giữa tình cảnh nhiều nơi bị ngập sâu từ 1 - 3m, mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô không khác gì việc tạo ra cơn lũ mới. Song cũng như những lần sự cố thủy điện trước, giải thích của đơn vị quản lý, vận hành Thủy điện Hố Hô vẫn là… xả lũ đúng quy trình.

Nhà máy Thủy điện Hố Hô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy trình này phải được thực hiện từ trước, khi có dự báo tiên lượng về tình hình thời tiết, chứ không phải xả lũ giữa lúc mưa lớn. Bí thư Huyện ủy Hương Khê Đinh Hữu Tân thẳng thắn đề xuất xem lại hiệu quả của Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Trong quá trình kiểm tra Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng nhấn mạnh: “Nếu đúng quy trình mà vẫn bất lợi cho hạ du thì phải rà soát lại quy trình. Mục tiêu là điều hành thủy điện, đảm bảo an toàn công trình, phát điện nhưng phải giảm thiểu tác hại của xả lũ đến đời sống người dân”.
Đừng nhìn thủy điện như “tội đồ”
Thực tế, những năm gần đây, sự cố liên quan đến thủy điện liên tục xảy ra như: Vỡ đường ống dẫn nước tại Nhà máy Thủy điện Đambol (Lâm Đồng); Thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết nứt ở thân đập khiến không ít người lo ngại đến kịch bản xấu nhất... Gần đây nhất là sự cố Thủy điện sông Bung 2 (Quảng Nam) và hiện là Thủy điện Hố Hô… Tuy nhiên, theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, không phải riêng Việt Nam, trên thế giới đều đánh giá thủy điện là năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo. Vì vậy, việc phát triển thủy điện cũng là việc cần thiết. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhu cầu về điện năng rất lớn. Theo Quy hoạch Điện VII, đến năm 2020, tổng công suất nguồn đạt khoảng 75.000MW, trong đó thủy điện chiếm 23,1%. Thực tế, đến năm 2017, việc phát triển nhiệt điện than đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhiên liệu và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và sinh khối có chi phí đầu tư cao. Trong khi giá điện của Việt Nam hiện chưa tạo được sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Đây thực sự là bài toán khó đối với ngành điện. Chính vì thế, việc loại bỏ các dự án thủy điện ảnh hưởng tới môi trường, xã hội hay những dự án “trục lợi” là điều cần thiết, nhưng cũng cần xem xét một cách thấu đáo, khoa học về những dự án thủy điện tiềm năng, ít ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, xã hội mà mang lại hiệu quả thực sự. Tránh nhận xét chung chung theo kiểu thủy điện là “tội đồ”.
Vấn đề ở đây là không để thủy điện nhỏ và vừa phát triển một cách ồ ạt như thời gian qua. Đã từng có thời gian, các dự án điện công suất dưới 30MW được giao cho các địa phương thực hiện. Điều này khiến quy hoạch điện bị phá vỡ, việc vận hành thiếu giám sát một cách đầy đủ, kịp thời. Thủy điện Hố Hô nằm trong số những dự án loại này. Thậm chí, trong cuộc kiểm tra mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, Hố Hô là nhà máy thủy điện rất nhỏ, chỉ 14MW, có hay không có thì hệ thống điện Việt Nam không bị ảnh hưởng. Hiệu quả kinh tế không cao, không có khả năng cắt lũ nhưng những thủy điện quy mô như Thủy điện Hố Hô vẫn được xây dựng và vận hành là do mang lại những lợi ích trước mắt cho chủ đầu tư, một phần ngân sách của một số địa phương. Trong khi hậu quả mà nó gây ra cho vùng hạ du luôn là vấn đề lớn.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung. Về lâu dài, định hướng phát triển thủy điện cần những cách nhìn nhận mới mang tính dài hạn trên cơ sở đánh giá sát với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường mà nó mang lại.