[Từ làng ra phố] Chuyện vui về “thuật tán gái” của các cụ thời trước

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay, trong thời đại 4.0, chỉ cần chiếc Smartphon, hoặc máy tính, thì chả cần bước chân ra khỏi nhà, thanh niên trai gái vẫn tán tỉnh nhau… xoành xoạch. Đầy mối tình “nên thơ, nên nhạc” của đám trẻ ngày nay đều thông qua internet.

Nhưng xưa, điều kiện về không gian, phương tiện hạn chế, người quê gần như chỉ loanh quanh sau lũy tre làng. Do ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, bởi vậy đám đàn ông trong xóm, ngoài làng gần như đều “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, không mấy người lấy vợ xứ người. Và xóm tôi cũng không ngoại lệ. Từ xưa vốn vẫn trọng nam - khinh nữ, nên làng tôi “trâu nhiều hơn cỏ”, vậy nên để “cưa đổ gái làng”, các cụ xưa cần phải có rất nhiều “thuật”!

Theo lời cụ Bảnh (một “cao thủ” tán gái xóm tôi ngày trước), cái thời cơm chả đủ no, quần áo chửa đủ ấm thì việc “cua” được bà vợ xinh nhất xóm, mà lại là con gái rượu của một phú ông đều nhờ… mồm mép. Nhà nghèo, độ đẹp trai cũng chỉ thường thường bậc trung, nhưng về độ dẻo miệng thì cụ Bảnh ăn đứt đám cùng lứa. Một câu chuyện tiếu lâm dẫu “nhạt” đến mấy, nhưng qua lời cụ Bảnh, cũng khiến các cô cười… rung rốn.

Bà Loan (vợ cụ Bảnh) vốn xinh người, đẹp nết - lại là con gái nhà giàu, nên việc tiếp cận “đối tượng” không hề dễ. Nhưng đôi khi “nghèo cũng là lợi thế”, thời trai trẻ, quanh năm suốt tháng cụ Bảnh phải đi làm thuê cho các gia đình có điều kiện trong làng, trong đó có nhà thầy u bà Loan. Câu “nhất cự ly, nhì cường độ”, quả tình chửa sai bao giờ. Nhờ những ngày làm thuê, cuốc mướn cho gia đình nhà vợ, cộng với tài ăn nói, sự hiền lành, chăm chỉ; dần già cụ Bảnh đã chiếm được tình cảm cô con gái rượu của phú ông…

Nhưng chiếm được tình cảm của “đối tượng” mới thắng lợi 50%, nguy cơ lại nằm ở phụ huynh; bởi song thân bà Loan chưa bao giờ có dự định gả cô con gái rượu cho chàng trai quê nghèo đến độ… trên răng dưới guốc! Bằng “thuật” của mình cụ Bảnh đã tạm không làm thuê cho nhà phú ông nữa. Và “cao nước cờ” hơn nữa là cụ lại xoay sang ve vãn các cô gái khác trong làng. “Chiêu”… bỏ đói tình yêu của chàng trai nghèo bắt đầu phát huy tác dụng; vụ mùa đến gần, lúa ngoài đồng chín muốn rụng mà không thuê được thợ gặt, con gái thì lăn ra ốm vì tương tư. Cực chẳng đã, phú ông phải đánh tiếng mời chàng trai nghèo tên Bảnh sang làm giúp, “rơm lâu ngày gặp lửa”, cái gì đến khắc phải đến. Vậy là chẳng tốn mấy sức lực, cụ Bảnh đã “chôm” được cô vợ trẻ - đẹp nhất làng và kèm theo đó là món hồi môn kha khá! Trên thực tế, trai gái xưa yêu rất ít, phần đa các cặp vợ chồng đến với nhau theo sự sắp đặt của phụ huynh. Thế nên dân gian mới có câu “cha mẹ đặt đâu – con ngồi đấy”. “Thuật tán gái”, chỉ là câu chuyện vui, nhưng trên thực tế, không thiếu những người đàn ông, tuy xấu người nhưng có vài tài lẻ - vẫn “cua” được những cô vợ xinh đẹp. Dù người xấu, nhưng do có giọng hát hay mà nhân vật Trương Chi (trong văn học dân gian), “tán đổ” gái ngoan - hỏi mấy người không biết? Trong chuyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, anh Cu Tràng chỉ cần “thả” mỗi câu hát bâng quơ: “Muốn ăn bánh đúc với giò – Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, thế mà đã… ăn ra một cô vợ đó thôi… Tục ngữ có câu “Làm trai cho đáng nên trai/ Không thông kinh sử (thì phải) dài thanh gươn”. Quả là lợi hại!