Theo đó, nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định), cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc.
Các nhà giáo, viên chức cũng sẽ được nhận phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số khi công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, đối với phụ cấp lưu động: Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.
Đối với phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số: Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định), cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Bên cạnh nhiều phụ cấp, hỗ trợ khác, Chính phủ quyết định bãi bỏ Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP.