KTĐT - Những mảnh vỡ lớn từ vỏ động cơ mang dấu hiệu của Qantas rơi xuống đảo Batam của Indonesia dẫn đến tin đồn máy bay bị nổ.
Chiếc Airbus A380 đang bay thì vỡ động cơ, rơi từng mảng vỏ lớn xuống đất và phải hạ cánh khẩn cấp hôm thứ năm tuần trước. Vài ngày sau, một chiếc được coi là "giấc mơ bay" của hãng đối thủ Boeing là 787 Dreamliner cũng hạ cánh khẩn cấp với khói phun mù mịt.
Lần lượt hai dòng phi cơ chở khách hiện đại nhất của hai đại gia ngành chế tạo máy bay thế giới là Airbus và Boeing gặp sự cố nghiêm trọng chỉ trong vòng một tuần. Sự cố đối với chiếc Airbus A380, được mệnh danh là "siêu máy bay" chở khách có thể chở tới 800 người, xảy ra trên bầu trời Indonesia hôm 4/11. Còn "hạn" đến với "giấc mơ bay" Boeing 787 Dreamliner hôm 10/11, khi một chiếc phải hạ cánh khẩn cấp khi đang bay thử nghiệm với khói trong khoang.
Chiếc Boeing 787 Dreamliner nổi tiếng vì vật liệu chế tạo giúp giảm tiêu hao nhiên liệu. Ảnh: AFP |
Boeing 787 Dreamliner: Tạm ngừng 'giấc mơ bay'
Trong khi đang bay thử nghiệm từ Yuma, bang Arizona tới Laredo, bang Texas, phi công trên một mẫu Boeing 787 Dreamliner thông báo có cháy và khói trong khoang. Sau đó phi cơ hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống Laredo và toàn bộ 42 người trên khoang được sơ tán khỏi máy bay bằng hệ thống trượt. Một ngày sau sự cố này, Boeing thông báo tạm ngừng thử nghiệm "giấc mơ bay" của mình để điều tra.
Kế hoạch giao hàng Boeing 787 Dreamliner trước đó đã bị trì hoãn nhiều lần do các lý do khác nhau. Với sự cố trên thời gian để những hành khách đầu tiên được bay trên chiếc phi cơ siêu tiết kiệm nhiên liệu này càng thêm xa hơn. Dòng máy bay mới nhất của Boeing có phần vỏ làm bằng chất liệu composite siêu nhẹ giúp tiết kiệm 20% nhiên liệu so với máy bay cùng cỡ.
Theo các chuyên gia Boeing đây là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ khi 787 Dreamliner được đưa vào giai đoạn bay thử hồi năm ngoái. Sự cố đã có tác động xấu đến giá cổ phiếu của Boeing khi bị sụt giảm 3,2% tại thị trường New York, do các nhà đầu tư lo ngại thời gian giao hàng máy bay này sẽ tiếp tục bị lùi lại. Trong khi đó theo kế hoạch ban đầu nó đã bị chậm tiến độ gần 3 năm.
"Chúng tôi quyết định không tiến hành bay những chiếc 787 Dreamliner khác cho đến khi hiểu rõ sự cố. Tôi không biết việc trì hoãn này sẽ kéo dài bao lâu", BBC dẫn lời nữ phát ngôn viên Boeing cho biết. Nhà sản xuất này thông báo thêm họ cần có thời gian để tìm ra nguyên nhân vụ trên.
Boeing cũng cho biết không có lý do nào để nghi ngờ các động cơ Trent 1000 của 787 Dreamliner do nhà sản xuất Anh Rolls Royce cung cấp. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Rolls Royce đang chịu sức ép vì động cơ Trent 900 của họ gắn trên một "siêu máy bay" khác là Airbus A380 gặp sự cố tuần trước.
Một chiếc Airbus A380 của Qantas. Ảnh: Wiki |
Airbus A380: Đình chỉ bay và thay động cơ hàng loạt
Trong cuộc chạy đua ra mắt mẫu máy bay hoàn toàn mới, hãng Airbus đã đi trước Boeing một bước khi kịp trình làng chiếc Airbus A380 có khả năng chở khách lớn nhất từ trước đến nay. Siêu phi cơ này bắt đầu được đưa vào khai thác thương mại năm 2007 và tuần trước đã hứng chịu sự cố nghiêm trọng, khi chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Australia Qantas bị vỡ động cơ khi đang bay.
Những mảnh vỡ lớn từ vỏ động cơ mang dấu hiệu của Qantas rơi xuống đảo Batam của Indonesia dẫn đến tin đồn máy bay bị nổ. Ngay lập tức giá cổ phiếu của Qantas phản ứng tiêu cực khi giảm điểm và chỉ phục hồi sau khi chiếc Airbus A380 chở 459 người hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống Singapore với 3 động cơ hoạt động còn lại.
Chiếc Airbus A380 của Qantas gặp sự cố có lắp động cơ Trent 900 của Rolls Royce và điều này đã khiến giá cổ phiếu của nhà sản xuất động cơ Anh cũng bị giảm điểm. Trong thời gian chờ kết luận từ cuộc điều tra, hãng Qantas đã quyết định tạm đình chỉ bay đối với toàn bộ 6 chiếc Airbus A380 trong đội bay của mình để đảm bảo an toàn.
Ít ngày sau sự cố của Qantas, hãng hàng không Singapore Airlines cũng có động thái liên quan đến Airbus A380. Do có chung đặc điểm là gắn động cơ Trent 900 của Rolls Royce, Singapore Airlines đã quyết định thay toàn bộ động cơ trên 3 chiếc A380 của mình bằng động cơ mới cũng do Rolls Royce sản xuất nhưng có một số cải tiến nhỏ.
Tuy gặp những sự cố nghiêm trọng nhưng cả hai dòng máy bay chở khách hiện đại nhất thế giới hiện nay là Airbus A380 và Boeing 787 Dreamliner vẫn được đánh giá là những mẫu phi cơ thương mại an toàn hàng đầu. Chúng tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất trong thiết kế, tính năng và vật liệu mang tích cách mạng của ngành hàng không.
Đó cũng là lý do tất cả các hãng hàng không có tên tuổi trên thế giới đều đặt hàng hai dòng máy bay này trong kế hoạch hiện đại và trẻ hoá đội bay của mình. Hiện có 37 chiếc Airbus A380 được khai thác trên thế giới trong tổng cộng 234 đơn đặt hàng cho chiếc máy bay có giá khởi điểm từ 346,3 triệu USD này (báo giá tháng 3/2010).
Trong khi đó, giấc mơ bay Boeing 787 Dreamliner vẫn đang trong giai đoạn bay thử đã lập kỷ lục khi có tới gần 900 đơn đặt hàng trên khắp thế giới. Đây không phải là máy bay cùng dòng với Airbus A380 vì có kích cỡ tầm trung, chở được từ 210 đến 330 hành khách. Điểm hút hàng của loại máy bay này đến từ vật liệu chế tạo bằng composite, giúp nó giảm trọng lượng đáng kể, dẫn đến tiết kiệm nhiên liệu 20% so với máy bay tương đương.