Hình ảnh về những em bé vài tháng tuổi đói khát đến lả người ở các điểm trung chuyển hay những con tàu cao su nhồi hàng trăm người nhập cư… được phát liên tục trên các phương tiện truyền thông toàn cầu là lời cảnh báo về một tương lai ảm đạm cho người nhập cư.
“Xin lỗi thiên thần nhỏ”
Trong bối cảnh mỗi ngày đều có thông tin về hàng chục người thiệt mạng trên những hải trình đầy tuyệt vọng tới châu Âu, bức hình đầy ám ảnh của cậu bé Aylan Kurdi mới 3 tuổi bị chết đuối dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là giọt nước làm tràn ly của những bất đồng, tranh cãi về vấn đề người tị nạn đã tồn tại trong lòng Lục địa già suốt hơn một năm qua. Một bên là Đức, Pháp, Italia - 3 quốc gia chủ chốt trong Liên minh châu Âu chủ trương áp dụng "hạn ngạch nhập cư" cho các thành viên trong khu vực; một bên là Anh, Hungary, Áo và Hy Lạp - các nước theo đuổi quan điểm "đóng biên" với người tị nạn vì lo ngại nguy cơ xói mòn nguồn lực của quốc gia.
Xét trên quan điểm của Hungary và Hy Lạp, hai quốc gia "vùng trũng" của châu Âu, siết chặt luồng nhập cư là biện pháp hoàn toàn có thể hiểu được khi người dân trong nước vẫn đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với Anh và Áo, sự cứng rắn của những người đứng đầu chính phủ đã vấp phải sự phản đối của giới chức trong khu vực và ngay cả người dân trong nước. Nghị sĩ Nadhim Zahawi, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Anh David Cameron đã chia sẻ những lời đầy đau xót về bé Aylan Kurdi trên Twitter: "Chúng ta không là gì cả nếu không có lòng từ bi. Bức ảnh khiến tất cả chúng ta cảm thấy xấu hổ. Chúng ta đã thất bại ở Syria. Tôi xin lỗi thiên thần nhỏ. Hãy yên nghỉ".
Trước áp lực từ hàng triệu chữ ký của người dân ủng hộ việc tiếp nhận thêm người tị nạn và những lời kêu gọi chia sẻ gánh nặng với các quốc gia châu Âu khác của Tổng thống Pháp Francois Holande, bà Nicola Sturgeon - Bộ trưởng Thứ nhất của Nội các Scotland, Thủ tướng Anh David Cameron đã buộc phải thay đổi quan điểm cứng rắn đưa ra trước đó.
Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết
Trong khi cam kết sẽ mở rộng cửa tiếp nhận "hàng ngàn người nhập cư" của ông Cameron vẫn chưa khiến dư luận nguôi ngoai, trên khắp châu Âu đã diễn ra hàng loạt các cuộc họp, điện đàm nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư. Ngày 4/9, tại Luxembourg, Ngoại trưởng các nước EU đã nhóm không chính thức nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng leo thang làm chao đảo gần như toàn bộ Lục địa già. Ba cuộc họp khác cũng diễn ra tại châu Âu trong ngày thứ Sáu với cùng một chủ đề về người di cư, trong khi đó, các thành viên của Ủy ban châu Âu đã bay tới đảo Kos (Hy Lạp) để thị sát tình hình của người di cư tại đây.
Tại Hungary, các nghị sĩ nước này đang chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu "cân não" nhằm xem xét có nên thắt chặt kiểm soát biên giới khi số lượng người di cư đổ về đây đang lớn gấp nhiều lần quân số của lực lượng an ninh. Trước đó, quyết định dừng các đoàn tàu xuyên châu Âu của chính quyền Budapest đã gây ra các cuộc xô xát giữa lực lượng cảnh sát với những người tị nạn đang chờ đợi trong tuyệt vọng để được qua khỏi biên giới để tới Đức và Áo.
Các cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao EU bàn về khủng hoảng di cư vẫn được lên kế hoạch nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa nguy cơ bào mòn nguồn lực với những giá trị nhân đạo, nhân văn - vốn là nền tảng của sự ổn định, thịnh vượng mà EU luôn hướng tới. Trong lúc chờ giới chức châu Âu cân đối các toan tính chính trị của mình, cuộc khủng hoảng nhập cư vẫn chưa có hồi kết và đại dương vẫn là nơi đưa những nạn nhân xấu số vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Mỗi ngày có hàng trăm trẻ em được lực lượng chức năng châu Âu cứu sống từ những con tàu chở người tị nạn.
|