Nhiều gia đình Thủ đô tiêu biểu, mẫu mực
Gia đình bà Phạm Thị Phinh (Tổ dân phố số 4, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn) có 3 thế hệ chung sống, luôn ngập tràn tình yêu thương. Bà Phạm Thị Phinh chia sẻ, đó là hành trình của sự nêu gương, chia sẻ.
Vợ chồng bà Phạm Thị Phinh gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ, đến nay, 2 ông bà đã 75 tuổi, đều là những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học cho con cháu nói theo. Ông là Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn đầu tiên có trình độ Tiến sĩ khoa học. Bà đã vượt lên định kiến thời kỳ trước để kiên trì, nỗ lực theo học hết bậc phổ thông, rồi thi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp. Bà Phạm Thị Phinh có 1 bằng cử nhân, 1 bằng kỹ sư, 20 năm gắn bó với Trung tâm Dạy nghề huyện Sóc Sơn (bà là nguyên Giám đốc Trung tâm). Khi nghỉ hưu vào năm 2003, bà lại khởi dựng Trường THPT dân lập Lạc Long Quân, mở rộng cánh cửa tri thức với nhiều em học sinh không đỗ vào các trường công lập.
Chung ý chí phấn đấu, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, ông bà còn đồng quan điểm trong nuôi dạy các con. Nghiêm túc, sát sao để động viên con kịp thời; quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học tập đến nơi, đến chốn, hiện nay, con cháu của bà Phạm Thị Phinh đều thành đạt, giữ chức vụ chủ chốt trong các cơ quan: UBND huyện Sóc Sơn, Trường THPT Trung Giã, UBND xã Quang Tiến, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Sóc Sơn…
Gia đình có 3 thế hệ chung sống (ông bà ở cùng vợ chồng con trai cả, hai cháu) có 6 người thì 5 người là đảng viên. Đại gia đình của ông bà có 18 thành viên, trong đó có 2 người có học hàm tiến sĩ, 10 thạc sĩ, 12 đảng viên, còn lại các cháu là sinh viên, học sinh có kết quả tốt trong học tập, rèn luyện. Bà Phạm Thị Phinh chia sẻ: “Những bữa cơm, dịp sum họp gia đình tôi luôn rộn vàng tiếng cười”.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho 30 gia đình văn hoá tiêu biểu năm 2023; Sở VH&TT Hà Nội tặng Giấy khen cho 60 gia đình văn hoá tiêu biểu năm 2023.
Khẳng định việc tu dưỡng, rèn luyện, phát huy truyền thống gia đình hiếu học là giá trị cốt lõi của văn hoá gia đình, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 10, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ Nguyễn Đức Long chia sẻ: Gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, là chiếc cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng, là hạt nhân tế bào của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò quan trọng của gia đình: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Ông Nguyễn Đức Long luôn nhắc nhở các con, cháu triết lý “Học, học nữa, học mãi”. Vợ chồng ông có 55 năm chung sống hạnh phúc bên nhau, các con đã trưởng thành, có gia đình, công việc và cuộc sống ổn định.
Gia đình ông có 3 người con trai, 3 con dâu và 7 cháu nội. Con trai lớn là bác sĩ chuyên khoa II, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tại Bệnh viện Phổi T.Ư. Con trai thứ 2 là thạc sĩ, công tác tại Kho bạc Nhà Nước. Con trai thứ 3 là tiến sĩ Toán học, hiện nay là Chủ tịch Hội Công nghệ cao tại châu Âu, cư trú tại Cộng hòa Pháp.
Quan tâm đến công tác gia đình
Trong nhưng năm qua, Hà Nội luôn coi trọng việc xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, coi đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và mỗi người dân.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: 100% các cấp uỷ, chính quyền MTTQ và các đoàn thể xã hội, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đều xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác gia đình bằng những hoạt động rất phong phú, thiết thực.
Cụ thể, bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp uỷ, chính quyền đã triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và nhân rộng các mô hình tốt trong thực hiện bộ tiêu chí dựa trên nguyên tắc "Tôn trọng - bình đẳng - yêu thương và chia sẻ”. Đồng thời dựa trên các tiêu chí cụ thể: Vợ chồng phải chung thuỷ, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với con cháu theo nguyên tắc gương mẫu, yêu thương…
Bên cạnh đó, từ TP đến cơ sở đã tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao gia đình; các hội nghị, toạ đàm về công tác gia đình gắn với bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình...
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều hoạt động tôn vinh các gia đình văn hoá tiêu biểu từ TP đến cơ sở diễn ra phong phú, sôi nổi và trang trọng, vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền TP và các cấp, ngành đối với công tác gia đình. Từ năm 2020 đến nay, TP đã biểu dương, tôn vinh 117 gia đình văn hoá tiêu biểu.
Việc đăng ký, bình xét, công nhận gia đình văn hoá hàng năm tại các địa phương được tiến hành đúng tiến độ, với tỷ lệ tham gia trên 95% (so với tổng số hộ dân). Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá trung bình hàng năm đạt trên 85%. Từ năm 2020 - 2022, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá đạt 88%. Trong năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt ra chỉ tiêu số hộ đạt Gia đình văn hoá là 88%.