Độc lập sẽ tốt hơn Xét tuyển theo nhóm, sử dụng chung một phương thức cho những trường cùng thứ hạng, ngành đào tạo sẽ giảm được thí sinh (TS) "ảo". Nhưng nhìn tổng thể, kỹ thuật chưa chắc đã giải quyết hết yêu cầu của các trường, nhất là khi mỗi trường có mục tiêu riêng. Vì thế, ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết: Nếu có nhóm xét tuyển lớn, nhà trường sẽ xem xét tham gia, nhưng không hy vọng giảm được TS "ảo", bởi trường xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và học bạ cấp THPT.
Đến thời điểm hiện tại, ĐH Lâm nghiệp cũng không muốn tham gia nhóm lớn, vì chưa biết có tác dụng thế nào, bởi nhóm phải là những trường tương xứng thì mới hy vọng có nguồn tuyển dồi dào. “Khi ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập nhóm GX, chúng tôi không tự nguyện đăng ký vì mình là trường top giữa ít có cơ hội nhận được sự chia sẻ TS từ những trường top trên. Nhưng nếu tới đây, Bộ GD&ĐT lập nhóm lớn có quy mô gần như cả nước, trường sẽ phải tham gia vì không muốn đứng tách biệt” – ông Cao Quốc An – Trưởng phòng Đào tạo cho hay. Nhiều trường ĐH ngoài công lập có đề án tuyển sinh riêng, sử dụng ít nhất 2 phương thức xét tuyển cũng không hào hứng tham gia nhóm. Dù tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng các trường phải thống nhất chung một số nguyên tắc. Với những trường có nhiều tiêu chí phụ, việc theo nhóm càng phức tạp. Hơn nữa, một số trường địa phương, ngoài công lập vốn khó tuyển sinh, tham gia vào nhóm chưa chắc đã điều chỉnh được chỉ tiêu ở các ngành, không chủ động quyết định điểm trúng tuyển... Vì thế, nhiều trường chọn hướng đứng độc lập để... an toàn. Phần mềm giải quyết hết các yêu cầu? Lý do khiến nhiều trường không hào hứng tham gia lập và xét tuyển sinh theo nhóm là Bộ GD&ĐT chưa thông báo rõ phần mềm xét tuyển đã hoàn thiện chưa, chạy thử nghiệm thế nào. Nhận được công văn của Bộ GD&ĐT đề nghị phối hợp chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã vào cuộc tích cực. Hiệp hội đã kêu gọi các trường ĐH, CĐ, trước hết là các trường hội viên mạnh dạn đứng ra làm nòng cốt tổ chức các nhóm xét tuyển chung hoặc tham gia vào những nhóm đó. Trả lời băn khoăn của các trường khi tham gia nhóm xét tuyển, ông Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Đảm bảo chất lượng của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Nhiều năm nay, Hiệp hội đã nghiên cứu và đề xuất Bộ GD&ĐT cách xét tuyển sinh theo nhóm để giảm được "ảo". ĐH Thăng Long cũng đã xây dựng được phần mềm xét tuyển theo cụm cùng thuật toán “chấp nhận trì hoãn” để xác định nhanh kết quả tuyển sinh của từng đợt. Năm 2014, 2015, phần mềm này được ĐH Thăng Long chạy giả định cho 1 triệu TS, mỗi em có tối đa 6 nguyện vọng, đăng ký vào 4.000 ngành, mỗi ngành lại có số chỉ tiêu khác nhau. Chỉ sau 2 tiếng chạy xét tuyển, căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia, học bạ THPT, kể cả kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, phần mềm đã cho kết quả chính xác. Theo ông Khuyến, để tham gia xét tuyển theo cụm trên phần mềm của ĐH Thăng Long, các trường chỉ cần gửi thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, điều kiện tuyển, các tiêu chí phụ, nguyện vọng của TS đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Cách xét tuyển này giảm được "ảo", khả năng trúng tuyển của TS cao và hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của các trường. “Nếu gộp chung các nhóm xét tuyển thành cụm lớn thì sẽ không còn "ảo", còn theo nhóm nhỏ như GX với 10 trường tham gia thì "ảo" vẫn còn. Vì thế, chúng tôi sẽ mở chiến dịch truyền thông để giải thích rõ ràng về những ưu việt khi tham gia xét tuyển theo nhóm lớn để các trường hết băn khoăn" - ông Khuyến khẳng định.
Sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng |