Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu các sở, ngành và các cơ quan báo chí Hà Nội nâng cao chất lượng tuyên truyền. |
Theo báo cáo của các đơn vị, sau hơn một năm ban hành quy tắc ứng xử (QTƯX), rất nhiều hoạt động tuyên truyền đã được triển khai. Sở VH&TT đã tổ chức tọa đàm thí điểm về tuyên truyền QTƯX nơi công cộng và tổ chức hội thi truyên truyền QTƯX các cấp. Theo ông Ngô Văn Nam – Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH&TT Hà Nội: “Mục tiêu của hoạt động tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về 2 QTƯX. Dần dần các quy định ăn sâu vào nếp nghĩ nếp làm”. Sở LĐTB&XH cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền QTƯX tại các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các cơ quan cá nhân tiếp xúc, giải quyết các chế độ cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Tại các trường dạy nghề, Sở LĐTB&XH chú tâm đào tạo các kỹ năng ứng xử dành cho người lao động. “Sở đã lồng ghép tuyên truyền QTƯX trong kế hoạch tuyên truyền thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương hành chính trong các cơ quan của đơn vị. Sở lấy các nội dung thực hiện QTƯX là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua hàng quý, hàng năm của cá nhân và đơn vị” – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thanh Nhàn cho biết. Sở GD&ĐT xây dựng giáo trình dạy về nếp sống văn minh thanh lịch cho học sinh các cấp trên địa bàn. Sở Tư pháp tham mưu cho TP tổ chức cuộc thi viết về tấm gương Người tốt việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến…
Đặc biệt, đối với các cơ quan báo chí truyền thông của TP, trong hơn một năm qua đã dành dung lượng rất lớn để tuyên truyền 2 QTƯX của TP. Đài Truyền hình Hà Nội xây dựng chuyên mục Người Tràng An, phát sóng vào khung giờ “vàng”, báo Hànộimới thực hiện cuộc thi ảnh Hà Nội đẹp và chưa đẹp; báo Kinh tế & Đô thị chú trọng tuyên truyền trên ấn phẩm báo in và báo điện tử, chuyên mục Người Hà Nội thanh lịch văn minh, Góc ảnh Hà Nội trong tôi… được duy trì hàng tuần, nhiều loạt bài, chùm bài chất lượng đã được thực hiện tạo được hiệu ứng cao với bạn đọc…Theo khảo sát, Hà Nội có 200 vụ nổi cộm dễ gây mất an ninh trật tự. Nếu theo báo cáo từ các quận, huyện thì con số này là 400 vụ việc. Sau khi quyết liệt tuyên truyền đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực, TP vẫn còn 50% vụ việc phức tạp, tiềm ẩn nhiều hành vi gây rối. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của các đơn vị sở ngành và các cơ quan truyền thông của TP. Mặc dù, thời gian qua, nhiều chương trình, nhiều mục thông tin đã quan tâm giáo dục đạo đức lối sống từ trong nhà trường đến các đối tượng là thanh niên, hội phụ nữ… nhưng các hành vi bạo lực vẫn xảy ra và còn nhiều lo lắng.Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận sự chủ động tuyên truyền của các sở, ngành và cơ quan báo chí trong suốt thời gian qua. “Nhưng chúng ta tuyên truyền chưa tới nơi tới chốn, chưa thành trào lưu để xã hội phê phán, cảnh tỉnh; chưa tạo đủ áp lực truyền thông và dư luận buộc các cơ quan quản lý phải quan tâm một cách thiết thực bằng hành động cụ thể” – ông Phong bày tỏ. Trưởng Ban Tuyên giáo yêu cầu từ nay đến cuối năm, các đơn vị phải chọn 1 - 2 việc làm trọng điểm phù hợp với tính chất đặc thù của đơn vị để việc tuyên truyền đi vào chất lượng, ví dụ như: Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm về văn hóa chung cư, tìm ra các mô hình quản lý chung cư tốt để nhân rộng, các vấn đề còn đang bức xúc để bàn thảo tìm giải pháp giải quyết… Sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất tuyên truyền phòng chống các hành vi bạo lực từ khu dân cư… “Ngoài ra, ngay từ bây giờ các đơn vị phải chú tâm xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực cho năm 2019. Bởi vì đây là vấn đề cần thực hiện dài lâu, liên tục mới đem lại hiệu quả” – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.